NGUYỄN TRÃI

(Bài tổng hợp rất hay, súc tích của tác giả Nhật Nguyệt Minh. Ý đắt giá nhất có lẽ là nhận định về vụ án oan khiên Thị Lộ có ảnh hưởng lịch sử đến thái độ của tầng tầng lớp lớp quan trường, trí thức về sau!?)
....
Trong lịch sử Việt Nam có một nhân vật kiệt xuất ở thế kỷ 15, người có công đầu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại sự xâm lược của nhà Minh, đó là Nguyễn Trãi; Với cương vị quân sư, ông đã đóng góp đắc lực giúp thủ lĩnh Lê Lợi trong các quyết sách quan trọng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến lúc thắng lợi hoàn toàn. Có thể nói, bên cạnh thủ lĩnh Lê Lợi thì không ai khác, chính Nguyễn Trãi là người có đầy đủ những yếu tố cơ bản để trở thành một vị lãnh đạo uy tín nhất.

Thủa thiếu thời Nguyễn Trãi đã phải chứng kiến những éo le của cuộc sống ngay trong chính gia đình mình. Cuộc hôn nhân của thân phụ và thân mẫu ông là một ngoại lệ đối với những quy định hôn nhân khắt khe của tôn thất nhà Trần lúc bấy giờ, vua Trần Nghệ Tông đã không cho Nguyễn Phi Khanh làm quan khi ông thi đỗ Thái Học Sinh, vì là kẻ thứ dân mà lấy vợ là tôn thất. Bên cạnh đấy, Nguyễn Trãi cũng chứng kiến đầy đủ sự thay đổi của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nhà Trần bị mất chính quyền vào tay nhà Hồ. Nhà Hồ thất bại trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của nhà Minh. Sau sự thất bại này, nước Việt Nam nằm dưới sự cai trị của ngoại bang. Lúc này, Nguyễn Trãi vào Thanh Hóa giúp cho thủ lĩnh Lê Lợi, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bắt đầu từ đây tài năng của ông mới có điều kiện được bộc lộ và đóng góp đắc lực cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng, cũng như nước Việt nói chung.

Trong thời gian đầu, khởi nghĩa Lam Sơn gặp rất nhiều khó khăn và thất bại liên tục. Tình hình chỉ được cải thiện khi Nguyễn Trãi xuất hiện, với những ý kiến sắc bén và cách đánh giá tình hình tổng thể được ông đúc kết lại sau 10 năm nghiên cứu ở Đông Quan (Hà Nội) và viết ra thành một kế sách chiến lược Bình Ngô Sách. Đây là sách đánh quân Minh do Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi; gồm ba kế sách lớn:

- Đấu tranh tổng hợp.
- Phát động chiến tranh nhân dân.
- Nắm thời cơ, đẩy mạnh chiến tranh đến toàn thắng.

Có thể nói đây là những đường lối từ tổng thể tới chi tiết, đã góp phần tích cực đẩy nhanh cuộc chiến tranh đi tới thắng lợi hoàn toàn. Nhờ vậy mà ông được Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn tôn quý và trọng dụng, ông mau chóng trở thành một trong những lãnh tụ quan trọng nhất của phong trào Lam Sơn (Chỉ sau Lê Lợi về mặt chính danh, nhưng trước Lê Lợi về tư tưởng và uy tín cá nhân đối với quần chúng).

Các nhà nghiên cứu sau này đã đánh giá ông là một chiến lược gia thiên tài, linh hồn của những chiến công hiển hách mà nghĩa quân Lam Sơn đã giành được.

Để nói rõ hơn về phẩm chất và năng lực của một con người phi thường này ta có thể chia cuộc đời của Nguyễn Trãi ra làm 4 giai đoạn:

- Thủa thiếu thời.
- Làm quan dưới triều đại nhà Hồ.
- Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.
- Làm quan dưới triều đại nhà Lê sau khi khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn.

Bốn giai đoạn này trong cuộc đời của Nguyễn Trãi, tuy khác nhau về mặt thời gian và bản chất, nhưng đều cùng giống nhau ở một điểm, đó là những biến động xã hội đã tác động vào suy nghĩ cũng như nhân cách của một bậc trí thức có tầm ảnh hưởng cá nhân, không chỉ ở giai đoạn đó của lịch sử Việt Nam mà còn kéo dài tới hơn 500 năm sau này.

1. Thủa thiếu thời.

Như ở trên đã nói, ngay từ thủa thiếu thời Nguyễn Trãi đã chứng kiến gần như đầy đủ sự éo le của cuộc sống qua cuộc hôn nhân của thân phụ và thân mẫu đã không được sự ủng hộ của những người xung quanh. Thân phụ ông là thứ dân, dẫu có tài chí nhưng vì lấy vợ là tôn thất triều đình nên đã không được trọng dụng. Ông ngoại của Nguyễn Trãi, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, vốn là người hiền từ, nho nhã, có phong cách của bậc quân tử, dẫu có giữ chức đại quan của triều đình cũng không tham gia được bao nhiêu trong chuyện này. Bản thân Trần Nguyên Đán cũng bất mãn trước những nhiễu nhương xã hội và sự suy đồi của triều đình nên đã cáo quan về ở ẩn ở vùng núi Chí linh làm nghề dạy học. Đây là giai đoạn thoái trào của triều đình nhà Trần. Xã hội khủng hoảng trầm trọng, đã có những dấu hiệu báo trước của sự sụp đổ vương triều không thể cứu vãn; xã hội không kỷ cương, dân chúng bất mãn, trí thức quay lưng lại với triều đình, kinh tế không phát triển, giặc cướp nổi lên khắp nơi, tệ mua quan bán chức diễn ra nhan nhản, quan trường thì toàn những kẻ cơ hội và ăn chơi sa đọa…

Xuất thân từ một gia đình truyền thống gia giáo lại có quan hệ huyết thống với triều đình, bản thân được ông ngoại chăm lo dậy dỗ, cùng với tấm gương của cha mình là một người có tài mà không được trọng dụng trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương, nên từ nhỏ Nguyễn Trãi với tố chất thiên bẩm của một người có ảnh hưởng lớn tới xã hội bởi sự thông minh, sắc xảo, học rộng, hiểu nhiều đã sớm hình thành một khuynh hướng không chấp nhận xã hội hiện tại. Đó chính là nền tảng cho những tư tưởng tiến bộ có tính cải cách mang tính đột phá trong các quyết sách của ông sau này, cả trong lĩnh vực quân sự và cai trị đất nước

2. Làm quan dưới triều đại nhà Hồ.

Sau khi triều đại nhà Hồ được thành lập. Lúc này Nguyễn Trãi đã trưởng thành, ông cùng cha mình là Nguyễn Phi Khanh đều cùng tham gia quan trường và được triều đại mới tin dùng.

Kế thừa di sản khủng hoảng toàn diện của nhà Trần để lại, nhà Hồ đã bắt tay ngay vào công cuộc chấn chỉnh kỷ cương xã hội, xây dựng nền tảng quốc gia cho một sự phát triển mới, đoạn tuyệt hẳn với những quá khứ của triều đại trước.

Đây có thể nói là bước thay đổi nhận thức có tính khách quan đầu tiên đối với Nguyễn Trãi. Lần đầu tiên ra làm quan, cũng là lần đầu tiên được tham gia những công việc của quốc gia có tính cải cách, bản thân mình thì vẫn còn được coi là thành phần có mối quan hệ máu thịt của triều đại trước, nhưng ông lại không thể hiện lối suy nghĩ chống đối hay là cảm giác nuối tiếc hẹp hòi dòng họ, thay vào đó ông cùng cha mình đã tham gia tích cực vào công việc của triều đại mới và sớm khẳng định vị trí và uy tín của mình.

Bằng trí tuệ siêu việt và bộ óc mẫn cảm của mình, Nguyễn Trãi đã dự đoán trước một sự dở dang của công cuộc cải cách này, bởi nó quá nóng vội và đã đụng chạm vào phần lớn những thành phần dân cư và quan lại trong xã hội. Người dân thì bị dồn nén sức mình vào các công trường xây dựng cơ sở hạ tầng của quốc gia, quan lại và quý tộc thì bị mất hoàn toàn tính tư hữu và nguồn lợi thu từ đất đai, tất cả chỉ tập trung trong việc tăng cường năng lực tích lũy của nhà nước. Việt Nam lúc bấy giờ là một nước thuần nông và lạc hậu, dân trí và khoa học kỹ thuật chưa phát triển nên sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân dành cho triều đình gần như là không có. (Khác với triều đại trước đó, chỉ có nhân dân là không ủng hộ triều đình còn quý tộc là người hưởng lợi nên không có sự chống đối lại).

Mặc dầu triều đại nhà Hồ đã có một số thành tích nhất định trong việc canh tân đất nước, như tích lũy quốc gia dồi dào, các công trình hạ tầng cơ sở phát triển, khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào cuộc sống, nhưng lại thiếu sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Hệ quả là khi Triều đình nhà Minh khởi động chiến tranh, nhà Hồ do thiếu sự ủng hộ của quần chúng nên đã mau chóng chuốc lấy thất bại. Điều này càng được khẳng định trong câu nói của Tể tướng Hồ Nguyên Trừng "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo mà thôi".

3. Tham gia khở nghĩa Lam Sơn.

Sự thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của nhà Minh đã kéo theo là sự sụp đổ của một vương triều, nước Việt Nam ở thế kỷ 15 lại một lần nữa nằm dưới sự cai trị của ngoại bang.

Toàn bộ quan lại của triều đình nhà Hồ bị quân Minh bắt sống và dẫn giải về Trung Quốc. Trong đoàn tù nhân bị áp giải đó có Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi đã cải trang làm thường dân đi cùng đoàn xe tù với suy nghĩ là theo hầu hạ cha trong cảnh tù đầy, nhưng Nguyễn Phi Khanh không đồng ý và khuyên con trai mình nên quay lại lo việc cứu nước báo thù nhà. Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến một cuộc chia tay định mệnh, có thể nói cuộc chia tay của hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi tại ranh giới giữa hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc tại thế kỷ 15 ở một góc độ nào đó nó cũng là định mệnh của dân tộc. Nó đánh dấu sự chuyển giao trách nhiệm lịch sử từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Một thời gian dài, khoảng 10 năm, Nguyễn Trãi lúc bấy giờ đã trở thành một nhân vật lộ diện và bị quân đội chiếm đóng của nhà Minh giam lỏng tại Đông Quan (Hà Nội).

Sử cũ chép lại "Quân Minh muốn dụ dỗ ông ra làm quan nhưng Nguyễn Trãi từ chối, muốn đem giết đi, nhưng có kẻ vẫn tiếc tài Nguyễn Trãi, tha cho và giam lỏng, không cho đi đâu. Ông lòng giận quân Minh tham độc, muốn tìm vị chân chúa để thờ và hàng ngày ngồi suy nghĩ kế sách chống giặc".

Tổng kết về giai đoạn này của cuộc đời Nguyễn Trãi, có thể khẳng định: Những tư tưởng chính trị, quân sự ưu tú cùng nhiều quan điểm đạo đức, triết học của ông đã được củng cố và phát triển tốt đẹp trong thời kỳ này. Trên cơ sở của thực tiễn cuộc sống và những kinh nghiệm chiến đấu của các thời đại, đồng thời cũng rút ra từ tư tưởng nhân nghĩa của ông, Nguyễn Trãi đã xây dựng cho mình những quan điểm đúng đắn về khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược.

Sau này khi ra mắt Lê Lợi, thủ lĩnh của cuộc khởi Lam Sơn, ông đã trao "Bình Ngô Sách", trong đó vạch ra ba kế sách đánh giặc, chủ yếu là tâm công, đánh vào lòng người để đi đến chiến thắng. Và cũng bắt đầu từ đây, tài năng và uy tín của Nguyễn Trãi đã được phát huy cao độ. Ông tham gia công việc tham mưu, soạn thảo các văn bản đối nội, đối ngoại quan trọng, cải thiện đáng kể tình hình và vị thế của nghĩa quân, đóng góp đắc lực vào sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Mở ra thời kì thái bình thịnh trị mới của dân tộc.

Vào giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa, khi thế và lực của nghĩa quân đang lên, sức và tinh thần của quân giặc đang xuống thảm hại, viện binh sang cứu đã bị tiêu diệt ở biên giới, một trong những quyết sách quan trọng của ông trong giai đoạn này được thực thi là không tiêu diệt nốt đám tàn quân của nhà Minh đang bị vây chờ chết ở Đông Quan (Hà Nội), mở đường đối ngoại hòa bình với triều đình nhà Minh.

Biết rõ thế mạnh yếu của kẻ địch, ông cho rằng, Trung Quốc là nước lớn, Việt Nam thì nhỏ nên dù đánh thắng họ nhiều lần nhưng vẫn luôn phải dè chừng việc họ quay lại. Với uy tín cá nhân và mưu lược sắc xảo của mình, Nguyễn Trãi đã tham mưu cho Lê Lợi không "đuổi cùng giết tận" quân Minh, mà nên biến sự khốn cùng của quân thù thành cơ hội mở đường hòa bình cho quốc gia, tránh cảnh chiến tranh về sau:

"Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Về đến nước mà vẫn tim đập chân run..." (Cáo Bình Ngô)

Việc nước Việt Nam suốt 4 thế kỷ sau không còn chuyện chiến tranh với các triều đình phương Bắc cũng là một công lớn của Nguyễn Trãi qua quyết định này, mở đường hòa hiếu cho các đời vua của Việt Nam về sau. Đây có thể gọi là chính sách đối ngoại hòa bình của dân tộc, một trong những tiêu chí quan trọng xây dựng nền văn hiến cho quốc gia.

4. Làm quan dưới triều đại nhà Lê sau khi khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn.

Đằng sau những đóng góp quan trọng không thể phủ nhận của ông trong suốt thời kỳ chiến tranh, nhưng đến thời bình thì lại là giai đoạn bi kịch nhất trong cuộc đời của ông. Nói tóm lại, nó cũng là kết quả của mối quan hệ giữa những mưu cầu cá nhân của những người có chức vị trong triều đình và sự ghen ghét của họ với tài năng, đức độ của ông. Thậm chí, có cả một âm mưu chính trị được vạch ra để hãm hại ông.

Nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến thắng lợi chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, ông là người đóng góp công đầu, bên cạnh Lê Lợi ông là người không thể thiếu trong suy nghĩ và tình cảm của quảng đại quần chúng nhân dân. Bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, ông lại một lần nữa chứng tỏ năng lực và tài trí của mình. Ông thay mặt vua Lê Thái Tổ soạn thảo “Cáo Bình Ngô”, thông báo cho toàn dân biết được kết quả thắng lợi của cuộc kháng chiến, cũng như đường lối cai trị đất nước trong thời đại mới sẽ dựa trên đạo đức và đối ngoại hòa hiếu. Đây được xem là một áng thiên hùng ca, hay còn gọi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc.

Trong "Cáo Bình Ngô”, ngay từ đầu ông đã khẳng định những giá trị của một quốc gia văn hiến được tạo dựng trên hai yếu tố là đạo đức và pháp luật.

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"

Bên cạnh đấy, Nguyễn Trãi đưa ra những khái niệm của một quốc gia đầy đủ với những yếu tố cơ bản như: nền văn hóa, tập quán, biên giới, vị trí địa lí, sự tiếp nối của các triều đại và vai trò của những cá nhân kiệt xuất ở những giai đoạn lịch sử khác nhau... Lưu ý, lúc này Việt Nam mới chỉ là một nước nông nghiệp lạc hậu, nền kinh tế kém phát triển, vậy mà mấy trăm năm sau, khi chủ nghĩa Tư bản phát triển thành một hệ thống, các nhà tư tưởng ở châu Âu mới nghiên cứu và đưa ra với những nét tương đồng giống như ông đã chỉ rõ ở thế kỷ XV.

"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có"

Bên cạnh Cáo Bình Ngô, ông đã dày công biên soạn bộ Dư Địa Chí, ghi chép lại tỉ mỉ tất cả các địa danh, địa hình, địa mạo của nước Việt Nam thời đó. Một công trình khoa học rất có ý nghĩa để đóng góp đắc lực cho việc quản lý cũng như khai thác các nguồn lợi quốc gia để phát triển và làm cơ sở lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Ở đây, ta thấy Nguyễn Trãi đạt tới tầm của một nhà tư tưởng kiệt xuất khi ông đưa được ra mối quan hệ cốt lõi của một quốc gia với chính quyền cai trị dựa trên hai yếu tố: TOÀN VẸN LÃNH THỔ và DÂN SINH.

Chỉ tiếc là một bậc tài năng đến như vậy mặc dù rất giỏi tính toán mưu lược cứu nước an dân nhưng đã không vượt qua nổi những mưu toan đen tối của các thế lực cực đoan trong triều đình, bị họ dựng mưu và hãm hại. Có những lúc trong cuộc đời của mình, Nguyễn Trãi đã chọn lối sống ẩn dật không tham gia chốn quan trường giống như ông ngoại mình, nhưng không dưới một lần, triều đình mời ông quay lại, thậm chí có lần ông được tin tưởng giao phó việc nuôi dạy Thái tử. Bằng sự nhiệt tình và lòng khát khao được đem sức mình ra đóng góp cho đất nước và dân tộc ông đã nhận lời.

Có thể nói, tấm gương sáng chói của Nguyễn Trãi nhưng kết cục tàn khốc của cuộc đời ông đã tác động rất tiêu cực tới quan điểm của các tầng lớp trí thức Việt Nam về sau. Nước Việt Nam thiếu hẳn đi tính TƯ VẤN, PHẢN BIỆN của tầng lớp trí thức vào công cuộc canh tân và mở mang đất nước. Các tầng lớp trí thức Việt Nam đã lựa chọn phong cách “mũ ni che tai” để tự bảo toàn thân phận và gia đình. Nhưng hậu quả lâu dài, Việt Nam từ lâu lắm rồi thiếu hẳn các yếu tố tiếp nối để hình thành nên một tư tưởng làm nền tảng cho công cuộc chấn hưng dân tộc.

Trong giới hạn này, qua hình ảnh của một cá nhân muốn lột tả được sự liên hệ giữa hai yếu tố: UY TÍN CÁ NHÂN và TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH. Đây là hai mặt của một vấn đề, trong từng trường hợp, cái này làm nền tảng cho cái kia còn cái kia làm biểu hiện cho cái này. Một người lãnh đạo có tầm cần thiết phải hội tụ đủ cả hai yếu tố đó.

No comments

Leave your comment

In reply to Some User