Arte Povera – “ nghệ thuật dành cho người nghèo” hay còn gọi với cái tên “Nghệ thuật nghèo” – là một trong những phong trào tiên phong cho các nghệ sĩ sắp đặt sau này.

Arte Povera ra đời và đạt đến đỉnh cao vào những năm 1960 tại Ý. Đặc điểm của Arte Povera là các nghệ sĩ tận dụng triệt để những vật liệu phổ biến của thời kỳ tiền công nghiệp như: đất, đá, quần áo, dây thừng…

Công việc của họ đánh dấu một phản ứng chống lại bức tranh trừu tượng hiện đại đã thống trị nghệ thuật châu Âu trong những năm 1950, do đó phần lớn công việc của nhóm là các tác phẩm điêu khắc. Các nghệ sĩ Arte Povera bác bỏ những tư tưởng cũng như phong cách của Chủ nghĩa Tối giản Mỹ (Minimalism), đặc biệt là những khuynh hướng dẫn tới ngành công nghiệp - công nghệ - đây cũng là suy nghĩ điển hình của người Ý. Tuy vậy Arte Povera cũng gây được tiếng vang lớn tới các nghệ sĩ theo Chủ nghĩa Tối giản tại Hoa Kỳ trong những năm 1960.  

1. Những điểm chính

Ngành công nghiệp phát triển nhanh, hiện đại hóa lan chóng mặt làm chúng ta, nhất là các thế hệ sau này quên đi những gì đã có trong quá khứ. Qua cách thể hiện, Arte Povera muốn nói tới sự tương phản giữa cái mới và cũ, cũng như hướng những cảm xúc phức tạp của con người theo dòng thời gian.

Để chống lại việc thiết kế công nghệ của Chủ nghĩa Tối giản, các nghệ sỹ Arte Povera bác bỏ những gì thuộc về chủ nghĩa Duy lý khoa học. Họ gợi lên một thế giới huyền thoại, bí ẩn, khó có thể giải thích rõ ràng.

 

Tác phẩm Sacco e Sosso, 1954 làm từ vải bố - Alberto Burri

 

Tác phẩm achrome, 1961/196 làm từ lông thỏ, nghệ sĩ Piero Manzoni

 

 

Seri tác phẩm làm từ lông thỏ và phân người - Piero Manzoni – 1961/1962

 

Tác phẩm Concetto Spaziale, Attesa, 1962 (Khái niệm không gian), nghệ sĩ Lucio Fontana

 

Tác phẩm Catasta, 1966 (Chồng đống), nghệ sĩ Alighiero Boetti

Arte Povera quan tâm đến vật liệu "nghèo" có thể được coi như một xu hướng quốc tế của những năm 1950 và 1960. Xu hướng này đánh dấu một phản ứng chống lại nhiều bức tranh trừu tượng thống trị nghệ thuật trong thời kỳ bấy giờ. Họ xem nó như là quá hạn hẹp vì những cảm xúc và biểu hiện cá nhân cũng chỉ nằm trong khuôn khổ một khung tranh. Thay vào đó, họ đề xuất một xu hướng nghệ thuật mới, mang lại cái nhìn mới, cảm nhận khác cũng như gần gũi hơn với người xem.

2. Khởi đầu

Arte Povera xuất hiện từ sự thoái trào của trường phái trừu tượng ở Ý, và sự gia tăng mối quan tâm cần tìm hướng đi khác hay cách tiếp cận mới mẻ để làm nghệ thuật. Đặc biệt, tinh thần của Arte Povera được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của Alberto Burri – những tác phẩm được làm từ bao tải vải toan, cung cấp một ví dụ về việc sử dụng vật liệu kém; Piero Manzoni với một seri tác phẩm từ lông thỏ và phân người – các tác phẩm của ông được coi là câu hỏi trực tiếp vào nghệ thuật; và Lucio Fontana - bức tranh đơn sắc, yếu tố nghệ thuật được giảm thiểu gần như tối đa, chỉ để lại một vài đường nét cho người xem xác định đó cũng được gọi là tác phẩm.

Cái tên Arte Povera được nhà phê bình nghệ thuật Germano Celant sử dụng lần đầu tiên vào năm 1967 để mô tả công việc của một nhóm các nghệ sĩ Ý. Trong cùng năm đó, ông đã tổ chức một cuộc triển lãm đầu tiên cho xu hướng này mang tên Arte Povera e IM Spazio (tạm dịch là: Không gian và nghệ thuật nghèo) - được tổ chức tại gallery La Bertesca ở thành phố Genoa, Ý. Triển lãm trưng bày các tác phẩm của Alighiero Boetti, Luciano Fabro, Jannis Kounellis, Giulio Paolini, Pino Pascali và Emilio Prini. Tất cả các tác phẩm đều đã sử dụng những vật liệu sinh hoạt thường ngày hoặc vật liệu bỏ đi (vật liệu “nghèo”). Ví dụ như tác phẩm Chồng đống (Pile) của Boetti (1966-1967) bao gồm một chồng các khối khoáng chất amiăng; nghệ sĩ Fabro thì lặp đi lặp lại hành động đánh bóng và phủ lên một mặt sàn nhà bằng những tờ báo và gọi đây là tác phẩm Sự lặp lại với sàn nhà (Floor Tautology), còn Pascali thì lại xếp các đống đất thành hình dạng rồi buộc chúng lại với nhau, tác phẩm này của ông bị đánh giá là phi tự nhiên... Nhìn chung, triển lãm đề cao sự xâm nhập của các vật liệu tầm thường vào nghệ thuật, buộc chúng ta phải nhìn những điều trước đây coi là không quan trọng trong một ánh sáng mới.

Tác phẩm Floor Tautology, 1967 (Sự lặp lại với sàn nhà), nghệ sĩ Luciano Fabro
Tác phẩm Structure for talking while standing, 1965 (Cấu trúc đứng vững khi nói chuyện), nghệ sĩ Pistoletto Michelangelo

 

Tác phẩm Venus of the rags, 1967 (Thần vệ nữ của giẻ rách), nghệ sĩ Pistoletto Michelangelo

 

Tác phẩm The Structure that eats, 1968 (Cấu trúc ẩm thực), nghệ sĩ Giovani Anselmo - 1968

 

Những con sâu róm - Pino Pascali

 

Lều tuyết - Mario Merz - 1968

 

Chỉ hai tháng sau khi triển lãm, Arte Povera đã mang đến một luồn gió mới cho nghệ thuật và có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Điều quan trọng nhất mà Arte Povera đã phản ánh được chính là mục đích tiêu diệt “sự phân đôi giữa nghệ thuật và đời sống”.

3. Phong cách

Trong nhiệm vụ kết lại cuộc sống với nghệ thuật, các nghệ sĩ Arte Povera cũng cố gắng gợi lên một chút phản ứng cá nhân với xã hội đương thời. Hơn thế nữa Arte Povera luôn nhấn mạnh sự tương tác giữa người xem và đối tượng, không lặp lại cảm xúc đã có.

Sự hình thành và thành công của Arte Povera không thể không kể đến công lao to lớn của nhà phê bình Germano Celant, ông là người gắn kết các nghệ sĩ lại với nhau và đem tới cho họ một không gian phát triển ý tưởng cũng như mang ý tưởng đến cho người xem.

Nghệ sĩ Pistoletto Michelangelo được biết đến qua tất cả các tác phẩm theo xu hướng Arte Povera. Một trong những tác phẩm nổi tiếng đó là những hình ảnh, con số được phản chiếu qua một tấm gương. Tác phẩm Cấu trúc đứng vững trong khi nói chuyện (Structure for Standing while Talking) của ông như một cuộc đối thoại giữa người xem và nghệ thuật. Hay tác phẩm đầu tay của Giovani Anselmo cũng dựa vào sự tương tác đó nhưng lại nói về mặt trái của nó, sự lỏng lẻo, vô tâm. Pino Pascali và Jannis Kounesllis quan tâm và mô tả cuộc sống thông qua những ham muốn nhục dục của con người. Điển hình là tác phẩm Những con sâu róm (Bristleworms) đầy màu sắc và lông nhọn của Pascali và tác phẩm sắp đặt không tên của Kounesllis gồm 12 con ngựa. Tác phẩm Căn lều của Mario Merz lại ngụ ý phản ánh sự hy sinh, những hy vọng của ông vào sự phát triển của nghệ thuật nghèo.

4. Phát triển và dư âm

Nhà phê bình nghệ thuật Celant đã thành công trong việc tạo ra một nơi cho Arte Povera phát triển. Triển lãm ngày càng được mở rộng. Đến những năm 60, các nghệ sĩ trên toàn thế giới đều cố gắng hòa mình theo xu hướng này. Nhưng vào năm 1970 trở đi, Arte Povera gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của lớp nghệ sĩ mới, họ cố gắng phá vỡ những gì liên quan tới nghệ thuật nghèo. Họ phản đối việc sử dụng tên Arte Povera trong một chương trình nghệ thuật lớn trong bảo tàng nghệ thuật tại Lucerne, Thụy Sỹ. Người giám tuyển của chương trình nghệ thuật lần này Jean-Christophe Ammann đề xuất đổi tên thành Quy trình nghệ thuật được nhìn thấy (Visualized Art Processes).

Mặc dù phát triển và phổ biến trong vòng chưa đến 15 năm và nhưng Arte Povera đã khẳng định được dấu ấn quan trọng của nó trong tiến trình lịch sử nghệ thuật thế giới. Sau khi đánh giá lại những năm 1960, các nhà phê bình nghệ thuật chú ý hơn với các biến động bên ngoài nước Mỹ và đây chính là tiền đề cho sự hồi sinh của Arte Povera nhưng theo nhiểu thể thức khác nhau. Và một số triển lãm đã được khai mạc lại như Arte Povera và Post Minimalism (Nghệ thuật nghèo và Chủ nghĩa Hậu Tối giản) tại thư viện Hayward, London, Anh vào năm 1993 và từ Zero đến Vô Cực tại Tate Gallery, London, Anh năm 2002.

Phan Tường Linh
Thạc sỹ, Nghiên cứu viên Viện Mỹ thuật
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
(theo The Art Story Magazine)

Nguồn: http://mythuatvietnam.edu.vn/index.php/bai-vit-nckh/90-arte-povera-ngh-thut-ngheo

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan