Bài viết của họa sỹ Nguyễn Thanh Bình "Sáng tác một cái gì đó không đồng nghĩa với sáng tạo"

Bất cứ ai học rồi, cũng đều có thể vẽ tranh, làm nhạc, viết văn được ...
Bất cứ trường mỹ thuật nào trong nước hay ngoài nước đều có thể đào tạo ra những người có khả năng sáng tác. Nhưng không nơi nào có thể trao truyền khả năng sáng tạo.
Người Pháp đã đào tạo một thế hệ họa sĩ Việt Nam bằng kỹ thuật và lý thuyết phương tây, nhưng không có cụ nào vẽ như tây, đó là sáng tạo, khi một họa sĩ Việt Nam vẽ siêu thực khác với họa sĩ Trung Quốc, vẽ trừu tượng khác với họa sĩ Mỹ ... thì đó là sáng tạo. Một người có thể học được kỹ thuật cao, lý luận sâu, chưa chắc đã là một người có khả năng sáng tạo. Bởi, sáng tác là hành vi, trong khi sáng tạo là một hành trình. Một người có thể lao động sáng tác trọn đời, nhưng sáng tạo được một giá trị được thừa nhận thì chưa chắc.

Bởi vậy, mình vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng: Sáng tạo chỉ xuất hiện trên nền của tính lãng mạn, nhân văn và trí tuệ. Nhân văn thuộc phạm trù xã hội, lãng mạn thuộc về tính cách, và nó sẽ thể hiện ra bằng trí tuệ. Thiếu đi những điều ấy, hoặc một trong ba điều ấy, người ta chỉ có thể trở thành nghệ nhân hoặc một kẻ láu cá.

Người ta nhầm lẫn giữa ý đồ, dự định sáng tác một tác phẩm với tinh thần sáng tạo. Hai khái niệm đó khác nhau. Có kỹ năng, kỹ thuật, thậm chí có lý luận, thì có thể sáng tác ra bất cứ thứ gì mình muốn, nhưng thiếu đi bản tính lãng mạn, lòng nhân hậu và kiến thức sâu rộng về cuộc sống, sự hiểu biết về con người, chắc chắn không thể sáng tạo ra điều gì mới. "... con tôm bơi tung tăng trên tờ giấy xuyến của Tề Bạch Thạch vẽ trong mấy phút, là kết quả của 80 năm làm người và 60 năm làm nghề ..." có lẽ là một nhận định ngắn gọn và chính xác về công việc sáng tác và hành trình sáng tạo.

Picasso khi còn trẻ, cũng chịu ảnh hưởng của tám vạn thằng khác, hành trình của tất cả các danh họa thế giới đều tương tự ...

Vậy, hôm nay nếu bạn có làm điều gì đó hao hao giống ai khác, thì đó không phải lỗi, nó chỉ lỗi khi bạn cố tình làm thế để mong cầu điều gì khác, ngoài mục đích đi tới ...

Trong bối cảnh láo nháo của mỹ thuật Việt Nam ngày nay, dễ dàng nhận ra rằng, cái gọi là "thành tựu đổi mới" chẳng có gì khác ngoài việc làm cho số người sáng tác ngày càng đông, và có vẻ rất giống đường phố lúc tan tầm, chen chúc và chẳng ai nhường ai. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong cái đám đông ấy không có những gương mặt sáng tạo. Có, nhưng rất ít ... và đường về nhà của họ cũng còn xa.!

Bạn thấy đấy, bối cảnh xã hội đã làm đám đông rối trí, mất bình tĩnh ... nhưng bất cứ thời nào, hoàn cảnh nào cũng còn những người lặng lẽ tiến bước.!
Cái khó khăn của hành trình sáng tạo chính là cố gắng thay đổi mình một cách thật thông minh.

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan