Nguồn từ bài "Những từ không vô nghĩa" của trang "Ngày ngày viết chữ" trên Facebook

em yêu DẤU

Mọi người vẫn hay nói "em yêu dấu", "yêu" thì hiểu rồi, nhưng "dấu" nghĩa là gì?

  • "Dấu" là một từ cổ, sách Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: "dấu" nghĩa là "yêu mến". Tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (năm 1651) cũng giải thích "dấu" là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là "bùa để làm cho yêu".
  • Tục ngữ Việt Nam nói "Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu", còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái quạt giấy (bài 2) thì viết "Chúa dấu vua yêu một cái này". Có thể thấy, "dấu" và "yêu" là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ "yêu" vẫn còn được viết hay nói một mình, chứ từ "dấu" thi không ai dùng một mình nữa.

hỏi HAN

Mọi người vẫn hay nói "hỏi han" nhau, "hỏi" thì rõ nghĩa rồi, vậy "han" có nghĩa không?

  • Tương tự như "gậy gộc", "hỏi han" không phải là từ láy mà là từ ghép đẳng lập, trong đó cả "hỏi" và "han" đều có nghĩa.
  • Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích: "han" nghĩa là "hỏi tới", "nói tới". Theo đó, "hỏi han" nghĩa là hỏi một việc gì đó, hỏi tới hay nói tới một việc nào đó.
  •  Truyện Kiều của Nguyễn Du từng dùng "han" như một từ độc lập, không dính đến từ "hỏi", trong câu: "Trước xe lơi lả han chào / Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi" (Phần Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh). "Han chào" chính là chào hỏi.

to TÁT

Mọi người vẫn hay nói về một chuyện gì đó "to tát" thì "tát" có nghĩa là gì?

  • "To tát" không phải là từ láy mà là từ ghép, cả "to" và "tát" đều có nghĩa. Tuy nhiên, "tát" ở đây là một minh chứng cho hiện tượng dùng sai nhiều thì thành đúng trong ngôn ngữ. "Tát" đúng ra phải dùng là "tác".
  • "Tác" nghĩa là lớn, mình thường gặp qua từ "tuổi tác". Khi nói "tuổi tác" thì đã mang nghĩa lớn tuổi, già rồi. Tuy nhiên, ngày nay mình hay nói "tuổi tác đã lớn", cách nói này xét về nguồn gốc thì không đúng, bị lặp từ.

Do trong quá trình sử dụng đã có nhiều biến chuyển, nên "tuổi tác" thường dùng để chỉ tuổi. Thậm chí tuổi còn nhỏ cũng dùng "tuổi tác", ví dụ: "tuổi tác còn nhỏ", "tuổi tác mới có bây lớn",... Riêng từ "to tác" để chỉ cái gì đó lớn thì đã dùng thành "to tát". Nói cho biết với nhau vậy thôi chứ để viết đúng chính tả tiếng Việt hiện đại thì mình vẫn cứ dùng "to tát" nha bà con.

CẦN CÙ

Có câu, "cần cù bù thông minh", "cần cù" là từ láy hay từ ghép? "Cù" có nghĩa gì không?

  • "Cần cù" là từ ghép, cả "cần" và "cù" đều có nghĩa. Đây là từ gốc Hán, viết là 勤劬. "Cần" là siêng năng chăm chỉ, "cù" là khó nhọc, vất vả.
  • Chữ "cù" này còn xuất hiện trong từ "cù lao" (劬劳) chỉ công ơn cha mẹ (thường nói chín chữ cù lao).

Truyện Kiều có câu: "Duyên hội ngộ, đức cù lao/Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn." Không nên nhầm lẫn từ "cù lao" này với từ "cù lao" chỉ cồn đất/cát nổi lên giữa sông do phù sa bồi lắng.

bếp NÚC

  • bếp là nơi nấu ăn;
  • núc là "đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể bắc nồi nấu ăn", cho nên có thể hiểu núc chính là ông Táo.

thiêu THÙA

Đây không phải từ láy! "Thêu thùa" là từ ghép tổ hợp (hay ghép đẳng lập), trong đó cả thêu và thùa đều có nghĩa.

  • thêu là dùng chỉ màu đính lên bề mặt vải làm ra hoa văn;
  • thùa là kết chỉ thêm, làm cho đẹp thêm.

Về cơ bản thì thêu và thùa giống nhau, đều là hành động thêm hoa văn trang trí trên vải vóc cho đẹp. Nhưng thùa đôi khi còn có nghĩa là hành động mạng lại chỗ vải bị rách cho đẹp. Nói chung, cũng giống như "cần cù", "gậy gộc", "hỏi han", "thêu thùa" cũng là từ ghép dù "thùa" nay đã hiếm khi dùng độc lập. Nhân tiện, chữ "vóc" trong "vải vóc" cũng có nghĩa. Và "vải vóc" đương nhiên cũng là từ ghép.

xinh XẮN

Đây là từ ghép đẳng lập, trong đó

  • xinh là đẹp, cũng có nghĩa là lịch sự. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích "xinh trai" là chàng trai lịch sự.
  • xắn là sáng, chói, cũng có nghĩa là đẹp. Chữ "xắn" này, vốn là từ sinh đôi* của chữ "xán" trong "xán lạn" có nghĩa là rực rỡ, sáng chói (thường bị viết sai thành "sáng lạng").

Túm gọn lại thì "xinh xắn" là từ ghép và cả hai chữ đều có nghĩa. *từ sinh đôi hay song lập thể (doublet) là một thuật ngữ của ngôn ngữ học, tạm hiểu là những cặp từ có chung nguồn gốc nhưng phát âm khác nhau.

Sáng láng

Đây là từ gốc Hán, viết là 爽朗, trong đó:

  • sáng âm Hán Việt đọc là "sảng". Tên nữ diễn viên Trịnh Sảng chính là chữ này.
  • láng âm Hán Việt đọc là "lãng".

Cả "sáng" và "láng" (tức "sảng" và "lãng") đều có nghĩa là sáng, rõ, trong. Một lần nữa, "sáng láng" là từ ghép đẳng lập trong khi vẫn bị nhầm tưởng là từ láy và chữ "láng" thường không dùng một mình do nhiều người không rõ nghĩa. Đấy, bảo sao tụi mình không còn dám khẳng định đâu là từ láy đâu là từ ghép nữa.

Tinh TẾ

Từ gốc Hán, viết là 精细, trong đó:

  • tinh là gạo giã cho trắng sạch, những thứ đã lọc hết tạp chất gọi là tinh;
  • tế là những vật, những thứ nhỏ, mịn.

"Tinh tế" là từ ghép đẳng lập (như mọi khi, những thứ có vẻ là từ láy lại không phải là từ láy) dùng để chỉ những thứ, những cảm xúc tỉ mỉ, kĩ lưỡng, chi tiết, sâu sắc, mang yếu tố tinh tuý.

Thân THÍCH

Từ gốc Hán, viết là 亲戚, trong đó:

  • thân là gần, họ hàng gần, thường dùng chỉ họ bên nội;
  • thích là bà con khác họ, thường dùng chỉ họ bên ngoại.

Người ta vẫn nói "nội thân ngoại thích" dùng để chỉ họ hàng hai bên nội ngoại. Ngày nay, chữ "thân" thì còn dùng nhiều, khi nói "người thân", người ta cũng không phân biệt bên nội hay bên ngoại. Nhưng chữ "thích" này ít khi dùng riêng biệt nữa.

Mông muội

Từ gốc Hán, viết là 蒙昧, trong đó:

  • mông là tối, bị che lấp. Chỗ mặt trời lặn gọi là đại mông;
  • muội là mờ mờ, tối tăm.

"Mông muội" không phải là từ láy mà là từ ghép, ban đầu dùng để chỉ giai đoạn đầu xã hội nguyên thuỷ, khi đời sống con người còn nhiều u mê, như "thời kì mông muội". Về sau, "mông muội" còn dùng để chỉ sự ngu ngơ, khờ dại, như "đầu óc mông muội", "con người mông muội".

Đo ĐẠC

Từ Hán Nôm, trong đó:

  • đo là tiếng Nôm, viết là 都, đọc là /đo/, nghĩa là dùng thước để so xem dài ngắn rộng hẹp;
  • đạc là từ gốc Hán, viết là 度, (một âm khác là "độ"), đọc là /dù/, nghĩa là ước chừng, mưu tính.

"Đo đạc" là từ ghép, đều mang nghĩa là đo, ước chừng, tính toán khoảng cách. Hiện tượng ghép từ đồng nghĩa giữa Hán và Nôm thật ra rất phổ biến trong tiếng Việt.

Đau ĐIẾNG

Từ Hán Nôm, trong đó:

  • đau là tiếng Nôm, viết là 𤴬, đọc là /đau/, nghĩa là nhức nhối, xót xa, cũng có nghĩa là cực khổ, khó ở, bệnh hoạn;
  • điếng là từ gốc Hán, viết là 酊, đọc là /dīng/. Về nguồn gốc, chữ 酊 có âm Hán Việt là đính, nghĩa là (say) không còn biết gì.

Trong ngôn ngữ đời thường, "đính" đã biến âm thành "điếng", hiện tượng biến âm ~inh thành ~iêng khá phổ biến trong tiếng Việt, như "chinh" thành "chiêng" ("trống chinh" thành "trống chiêng"). "Đau điếng" là từ ghép dùng để diễn tả con đau đến mức mất cảm giác, đau đến mức không còn biết gì.

Thu thập

Từ gốc Hán, viết là 收拾, đọc là /shōushi/, trong đó:

  • thu là bắt, như "thu giám" là "bắt giam";
  • thập là nhặt nhạnh.

"Thu thập" là từ ghép mang nghĩa là góp nhặt, tập hợp, gom góp lại. Vâng, như nhiều trường hợp khác, nó không phải từ láy.

Săn sóc

Từ Việt gốc Hán, trong đó:

  • săn là truy đuổi (trong săn thú, săn đuổi). Tiếng Hán viết là 趁, đọc là /chèn/, âm Hán Việt đọc là "sấn";
  • sóc là chăn nuôi, nuôi dưỡng. Tiếng Hán viết là 畜, đọc là /chù/, âm Hán Việt đọc là "súc" (trong gia súc).

"Săn sóc" là từ ghép với nguồn gốc là một "thuật ngữ" của nghề chăn nuôi, chỉ việc săn bắt và nuôi dưỡng thú. Sau này, có lẽ người ta không săn bắt thú nữa (chuyển sang mua bán hết rồi) nên cái nghĩa săn bắt bị mờ dần đi, chỉ còn cái nghĩa chăn nuôi, nuôi dưỡng. Thành ra, "săn sóc" trở thành động từ mang nghĩa chăm nom, chăm sóc.

Hống hách

Từ gốc Hán, viết là 吼吓, đọc là /hǒu hè/ trong đó:

  • hống là gào, thét, gầm, rống;
  • hách là doạ nạt.

"Hống hách" là từ ghép, ban đầu có nghĩa là lớn tiếng nạt nộ, gào thét để thị uy. Sau này dần biến nghĩa trở thành từ dùng chỉ thái độ ra oai để tỏ rõ uy quyền. Kiểu cán bộ mà tỏ thái độ khinh khỉnh, coi thường dân thì bị cho là có thái độ "hống hách" dù cán bộ không có gào thét gì. Nói "thái độ hống hách" thật ra không đúng lắm, vì "hống hách" là động từ, không phải tính từ, không thể dùng miêu tả thái độ. Vậy "hống hách" và "hách dịch" có giống nhau không?

Gay go

Là tiếng Nôm, trong đó:

  • gay là làm cho chèo kéo, khúc mắc, như "nói gay" là nói móc, nói người này mà chèo kéo, động tới người khác;
  • go là khốn khổ, quanh co,..

"Gay go" là từ ghép (không phải là từ láy) để diễn tả một việc gì đó khó khăn, chưa thông thuận, không trôi chảy. Như kỳ thi THPT QuốcGia của các bạn có "gay go" không?

Quà cáp

Hai chữ này hơi khó giải thích.

  • "Quà" là một từ Việt gốc Hán, tiếng Hán viết là 餜, âm Hán Việt đọc là [quả], nghĩa là bánh (một loại thức ăn chiên trong dầu). Chữ [quả] này có bộ [thực] 食 dùng để chỉ mấy thứ đồ ăn hay việc ăn uống nói chung. Trong tiếng Nôm, chữ "quà" viết là 菓 hoặc 𧵟 hoặc 𩛃 nói chung đều là những chữ miêu tả thứ có thể ăn được. Riêng chữ 𧵟 còn có bộ [bối] 貝 dùng để chỉ những của hiếm, quý báu, nên sau này "quà" mới có nghĩa phái sinh là những thức đem đi tặng, vì quý mới tặng.
  • "Cáp" cũng là một từ Việt gốc Hán mà hiện nay nó đã mất nghĩa, không còn dùng độc lập, chỉ đi chung với "quà" tạo thành "quà cáp". Hiện tại, tụi mình chịu không viết được chữ "cáp" này bằng tiếng Hán (hay tiếng Nôm) được vì bộ gõ không có, chỉ biết là nó gồm bộ [thực] 食 bên trái và chữ giáp 甲 bên phải. Âm Hán Việt xưa của chữ "cáp" cũng là "cáp" và âm Hán Việt nay là "giáp", cũng có nghĩa là bánh.

Nói tóm lại thì..

  • quà nghĩa là bánh;
  • cáp cũng có nghĩa là bánh.

Miền Bắc hay nói "ăn quà" nghĩa là ăn bánh, ăn đồ ăn vặt. (Miền Nam thì kêu là "ăn hàng"). Sau này, "quà cáp" mới có nghĩa phái sinh là món đồ tặng để kỷ niệm hoặc nhân dịp lễ lạc, và không nhất thiết là đồ ăn.

Làm lụng

"Làm lụng", là từ ghép đẳng lập (hay còn gọi là ghép tổ hợp), trong đó:

  • làm là dây ra việc, gây ra việc, ra tay, ra công, hành sự một việc gì đó;
  • lụng vốn phải là "lộng", cũng có nghĩa là "làm", ví dụ "lộng phạn" là "làm cơm", "lộng hoại" là "làm hỏng". Sở dĩ "lộng" biến thành "lụng" là do hiện tượng biến âm trong tiếng Việt đã biến -ông thành -ung (như "tông tích" biến thành "tung tích).

Như vậy, "làm lụng" là từ ghép trong đó cả hai tiếng "làm" và "lụng" đều có nghĩa. Tiếng Việt có khá nhiều từ tưởng vô nghĩa nhưng thật ra đều có nghĩa, tưởng là từ láy mà thật ra đều là từ ghép.

Trằn trọc

"trằn trọc" là từ ghép, trong đó:

  • trằn là trì xuống, dằn xuống, đau bụng "trằn trằn" là bụng đau mà cứ trì xuống;
  • trọc, vốn là biến âm của "trục" (躅), nghĩa là do dự, nao núng. Chữ "trục" này còn có một âm là "trạc".

Hiện tượng một từ âm ~uc biến thành âm ~oc còn có thể thấy qua "cực nhục" (辱) thành "cực nhọc", "túc" (粟) thành "thóc". Như vậy, "trằn trọc" là từ ghép có nghĩa là lẩn quẩn không yên, không dứt ra được. Từ này thường dùng nhất là lúc ngủ mà không ngủ được, cứ day dứt chẳng yên trong bụng.

Rừng

"Rừng rú" là từ ghép, chữ "rú" này là danh từ, chữ Nôm viết là 𧀓, đồng âm với động từ "rú" (gào rú) nhưng khác nghĩa. "Rú" cũng có nghĩa "rừng", tức chỗ cây cối mọc mênh mông rậm rạp. Còn chữ "rừng" chữ Nôm viết là 棱.

Đầm đìa

"Đầm đìa" là từ ghép, vốn là ghép hai danh từ lại với nhau mà dùng như một tính từ. Cụ thể:

  • đầm là vùng nước trũng, thường có cây cỏ mọc um tùm, nơi chim và cá tụ lại đẻ trứng;
  • đìa là ao vũng, chỗ nước moi sâu mà nhử hoặc nuôi cá.

Thông thường, "đầm" là vũng nước trũng tự nhiên còn "đìa" là vũng nước trũng nhân tạo. Nói chung, "đầm đìa" là danh từ chỉ hai loại hình thuỷ vực. Nhưng mà dân ta mượn "đầm đìa" để dùng trong các trường hợp ướt sũng, sũng nước, kiểu "nước mắt đầm đìa", "mồ hôi đầm đìa".

Lố lăng

"Lố lăng" là một từ ghép (không phải láy) nửa Nôm nửa Hán. Trong đó:

  • lố là từ Nôm (露), nghĩa là quá mức, thái quá;
  • lăng là từ gốc Hán (凌), nghĩa là lấn lướt, xâm phạm, là chữ "lăng" trong "xâm lăng".

"Lố lăng" là từ dùng để chỉ những gì vượt quá lẽ thường, vượt quá chuẩn mực chung của xã hội, như "hành vi lố lăng", "ăn nói lố lăng", "ăn mặc lố lăng".

Giỗ quải

"Giỗ quải" là từ Nôm, trong đó:

  • giỗ là kị cơm, cúng cơm cho vong hồn, làm lễ giáp năm, lễ cúng cơm cho người chết mà có nhắc công lao khi còn sống;
  • quải là cúng cơm cho tổ tiên, dọn bữa ăn mà có nhắc mời ông bà cha mẹ đã khuất.

Nói chung thì "giỗ" có thể nói chung cho việc cúng cơm người đã khuất thân hay không thân, còn "quải" thì khu biệt chỉ việc cúng cơm cho người trong họ tộc gia đình đã mất. Tết nhứt (nhất)

Thằng Tí

Người xưa hay gọi mấy đứa bé trai là "Tí", là một từ gốc Hán rất phổ biến, tiếng Hán viết là 子 mà âm Hán Việt hiện đại là "Tử", nghĩa là đứa con trai. "Tí" (cũng viết là Tý) là âm Hán Việt xưa của "Tử", nên "Tí" thường được dùng để gọi mấy đứa bé trai. Mà truy cho xa về trước đó nữa, thì Tí - Tử - 子 được dùng chung cho cả con trai lẫn con gái. Sau này Tí - Tử 子 chỉ dùng cho con trai, có lẽ do bởi chế độ phụ hệ. Thằng Tèo

hoán

Từ ghép gốc Hán (không phải láy), tiếng Hán viết là 呼唤, phiên âm là /hūhuàn/, trong đó:

  • là thở ra, gọi, kêu to, gọi to;
  • hoán là kêu, gọi.

"Hô hoán" nghĩa là kêu gọi, hiệu triệu, cũng có nghĩa là kêu gào, kêu to, gào to, hiện nay lớp nghĩa này được sử dụng phổ biến hơn lớp nghĩa kêu gọi, hiệu triệu.

Thô thiển

Từ ghép gốc Hán, viết là 粗浅, phiên âm là /cūqiǎn/, trong đó:

  • thô là to, là không nhẵn nhụi không tinh tế;
  • thiển là cạn, nông cạn, như "thiển cận" nghĩa là (tầm nhìn) hạn hẹp, non kém, cái gì không giỏi, hiểu biết còn ít thì gọi là thiển, như "học thiển" là học nghệ chưa tinh.

"Thô thiển" là từ ghép thường dùng để chỉ người không tinh tế, vụng về và còn kém cỏi, nông cạn. Ngày nay, nghĩa "thiển" thường bị mờ đi và người ta dùng "thô thiển" để chỉ những người vụng về, không nhã nhặn, đôi khi tục tĩu.

Chim ra ràng

Nhiều người thắc mắt "chim ra ràng" (như cu đất mới ra ràng, bồ câu mới ra ràng) thì "ràng" là gì. "ràng" là âm Hán Việt xưa rất là xưa của chữ 翎, âm Hán Việt hiện đại đọc là "linh", nghĩa là lông, lông chim, lông cánh của loài chim, nên chim ra ràng là chim mới ra lông.

Rối ren

"Rối ren" là một trong những từ gốc Hán hiếm hoi bắt đầu bằng phụ âm "R".

  • rối là âm Hán Việt cổ của chữ 颣, âm Hán Việt hiện đại là "lỗi", nghĩa là chỗ dây xoắn lại không gỡ ra được, chỗ nút thắt của dây nhợ các loại;
  • ren là âm Hán Việt cổ của chữ 联, âm Hán Việt hiện đại là "liên", nghĩa là dính liền, nối liền vào nhau, hợp lại với nhau (chính là chữ liên trong liên kết, liên minh).

"Rối ren" là từ ghép gốc Hán xưa ơi là xưa của tiếng Việt, thường dùng để chỉ những chuyện... rối ren.

Mầm mống

Từ ghép, trong đó:

  • mầm là chồi non, cây non mới nhú ra khỏi hạt hay mới trồi lên khỏi mặt đất;
  • mống cũng có nghĩa như mầm. Chữ "mống" này là âm Hán Việt cổ của chữ "manh" trong "manh nha" mà được giải thích ở đây: http://bit.ly/manh-nha.

"Mầm mống" là từ ghép dùng để chỉ cái mới xuất hiện, mới nảy sinh.

Do dự

Từ ghép gốc Hán, viết là 猶豫, phiên âm là /yóuyù/, Thiều Chửu giải thích từ nguyên của hai chữ này như sau:

  • do là là con do, giống như con khỉ, tính hay ngờ (tức nghi ngờ - NNVC), nghe tiếng người leo ngay lên cây, không thấy người mới lại xuống;
  • dự là con dự, một loài thú có tính đa nghi.

"do dự" thường dùng để chỉ người thiếu quyết đoán, hay đa nghi, hay trù trừ.

Mọi rợ

Thường thì chúng ta đều hiểu "mọi rợ" nghĩa là từ dùng để chỉ những người còn hoang dã, mông muội, kém văn minh. Như Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì giảng "mọi" là "người rừng không biết lễ phép", ở đây, phải hiểu "lễ phép" là lễ và phép (tức pháp), là những thói ứng xử lễ nghĩa, chứ không nên hiểu cạn "không biết lễ phép" là hỗn hào hay không ngoan ngoãn. Vậy còn "rợ"? "Rợ" là chữ Nôm, viết là 助, với ý nghĩa tương tự như "mọi", dùng để chỉ giống người hoang dã, không được ánh sáng văn minh chiếu rọi, cũng là tiếng gọi miệt thị những dân tộc bị khinh khi. Trong Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Hiến Lê có dùng "rợ Hung Nô" ("Mối lo lớn nhất của nhà Hán là rợ Hung Nô") để chỉ cách gọi của người Hán với người Hung Nô. Ngày nay, chữ "rợ" gần như đã mờ nghĩa và ít khi dùng một mình mà hay đi kèm với "mọi" thành tổ hợp "mọi rợ".

Hở hang

Từ ghép, trong đó:

  • hở là không kín, không liền nhau;
  • hang là thông suốt, mà chữ Hán hay chữ Nôm đều ghi nhận là 亨, âm Hán Việt hiện đại là "hanh", tức thông suốt, là chữ "hanh" trong từ "hanh thông".

Cụ thể thì "hang" là một dạng biến thể của "hanh", ngoài ra còn có một dạng nữa là "hênh" trong "hớ hênh", nghĩa là hở ra, hớ ra, không kín đáo. Về mối quan hệ của -anh và -ang có thể tìm thấy trong mành - màng, mảnh - mảng, canh/cánh - càng (càng lúc càng...).

Châm chước

Từ ghép, tiếng Hán viết là 斟酌. phiên âm là /zhēnzhuó/, trong đó:

  • châm là rót như rót nước, rót trà hay rót rượu.
  • chước thì có nghĩa là rót rượu.

Lẽ thường, rót nước rót trà rót rượu thì phải lường trước độ nông sâu của ly mà rót cho vừa phải, cho nên “châm chước” được dùng để chỉ sự gì cần thương lượng, cần định liệu giữa các bên sao cho phù hợp nhất, kiểu "em nó còn nhỏ dại, có chuyện gì mong ngài châm chước cho".

Thi thố

Từ ghép gốc Hán, tiếng Hán viết 施措, đọc là /shīcuò/, trong đó:

  • thi là thực hiện, tiến hành, bày ra, đặt ra, thể hiện ra, làm ra cái gì đó gọi là "thi", kiểu như thi công, thi lễ, thi hành,...
  • thố là bắt tay vào làm, sắp xếp, lo liệu, đặt để các thứ, đây cũng là chữ "thố" trong "thất thố".

"Thi thố" nghĩa là đem sức mình thể hiện ra, lấy tài năng mà bày ra cho người khác thấy.

Rầy rà

Là từ ghép, và còn là một từ ghép đặc biệt, nửa Nôm nửa Hán, cụ thể:

  • rầy chữ Nôm, nghĩa là quở mắng, cũng có nghĩa là nói om sòm, chát tai;
  •  gốc Hán, nghĩa là la lối, cũng có nghĩa là nói om sòm.

"Rà" là một âm Hán Việt cổ của chữ 囉, âm Hán Việt hiện đại của nó là "la", nghĩa đương nhiên cũng là nói om sòm, làm rùm beng hay... la lối. "Rầy rà" cũng chính là "rầy la" hay "la rầy". (Đây không phải là chữ "rà" trong "rề rà" hay "rà soát" các bạn nha, chữ "rà" này thì viết "邏", âm Hán Việt hiện đại của nó cũng là "la".)

Thắc mắc

Từ ghép, trong đó:

  • thắc chữ Nôm viết 忑, nghĩa là lo lắng, bồn chồn.
  • mắc chữ Nôm viết 黓, nghĩa là điều khó hiểu, sự còn chưa thông.

“Thắc mắc” tựu trung lại có nghĩa là bồn chồn, không thoải mái về điều gì đó mình chưa rõ ràng và muốn tìm hiểu cho tường gốc ngọn.

Nhiễu nhương

Từ ghép gốc Hán, chữ Hán viết 擾攘, giản thể viết 扰攘, đọc là /rǎorǎng/, trong đó:

  • nhiễu nghĩa là làm phiền, quấy rầy, làm loạn, ta thường nói "phiền nhiễu" là vậy;
  • nhương chữ này có ba âm - nhương, nhưỡng và nhượng. Trong từ 擾攘 thì 攘 đúng ra phải đọc là "nhưỡng" (nhưng ta quen đọc là nhương), có nghĩa là rối loạn.

"Nhiễu nhương" là từ ghép nghĩa là hỗn loạn, xáo trộn, quấy rối.

Bán chác

  • bán là đổi vật mà lấy tiền (có thể lấy thứ khác tùy thỏa thuận);
  • chác là mua, chịu lấy, đa mang.

Cho nên "bán chác" thật ra là hoạt động mua bán nói chung. Và chữ "chác" cũng có nghĩa chứ không chỉ là tiếng đôi đi kèm với "bán" để chỉ chuyện bán hàng hóa gì đó chung chung. Ngoài "bán chác", ta còn thấy "chác" đi với các từ khác như "đổi chác", "kiếm chác".

Tảo tần

Từ ghép, chữ Hán viết là 藻蘋, giản thể viết 藻苹, phiên âm là /zǎopín/, trong đó:

  • tảo là một loại cỏ nước, cũng kêu là rong hay rau tảo;
  • tần cũng là một loại cỏ nước, còn kêu là rau tần.

Người xưa dùng rau tảo rau tần để hiến tế, để cúng gia tiên. Ngoài "tảo tần" ta còn dùng là "tần tảo". Từ này dần dần dùng để chỉ đức hy sinh của người phụ nữ, vì việc kiếm rau tảo rau tần thường do phụ nữ làm.

Phiền phức

Từ ghép, chữ Hán viết là 煩複 phiên âm là /fánfù/, trong đó:

  • phiền là rườm rà, lôi thôi, rắc rối;
  • phức là nhiều tầng, nhiều lớp, phàm sự việc, sự vật gì nhiều lần chồng chất thì gọi là phức, áo nhiều lớp (áo kép) cũng gọi là phức.

"Phiền phức" là việc gì rắc rối lôi thôi, nhiều tầng nhiều lớp, không đơn giản, không gọn gàng dứt khoát.

Dạt dào

Từ ghép chữ Nôm. Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng:

  • dạt là dan ra (tức dàn ra đó), để nới ra, không cho giụm lại (tức không cho chụm lại, túm tụm lại đó);
  • dào là đổ xuống như nước mưa.

Đại Nam Quốc âm tự vị cho ví dụ "mưa dào" nghĩa là mưa xuống nhiều lắm. Tụi mình không thấy mục "mưa rào". Thử tìm hiểu kỹ hơn một chút, thì thấy rằng, Huỳnh Tịnh Của chú chữ "dạt" chữ Nôm viết là 𢩮, cách viết này thống nhất với từ điển Hán Nôm. Tuy nhiên, chữ "dào" Huỳnh Tịnh Của chọn chữ 𩆍. Cái chữ 𩆍 này tra từ điển viện Hán Nôm thì ghi là "rào". Còn chữ "dào" trong "dạt dào" thì từ điển này có mấy cách viết khác nữa. Nói chung cũng tại chữ Nôm chưa kịp thống nhất đã chết mất tiêu nên giờ việc tra cứu cũng rối ghê. Có lẽ "dào" và "rào" là hai hình thức liên quan nhau, như cũng có người nói "dạt dào" là "rạt rào". Và chữ "dào" này cũng là chữ "dào" trong "dồi dào".

Ve vãn

Từ ghép, trong đó:

  • ve là trêu chọc;
  • vãn là lôi kéo.

Trêu chọc, ghẹo chọc, thường xuyên tới lui hòng lôi kéo sự chú ý khiến cho con gái người ta xiêu lòng thì gọi là "ve vãn".

Đường đột

Từ ghép gốc Hán, viết là 唐突, bính âm là /tángtú/. Cả "đường" và "đột" trong "đường đột" đều có nghĩa là xúc phạm, mạo phạm. Từ "đường đột" do đó được dùng để chỉ việc đụng chạm, mạo phạm hay thất lễ. Chuyện gì mà làm hơi thiếu lễ độ, thiếu nhã nhặn, không phải phép thì gọi là "đường đột". Tất nhiên là ngoài nghĩa này ra thì "đường" và "đột" còn nhiều nghĩa nữa, nhưng trong từ ghép này thì chủ yếu chỉ có nét nghĩa như vậy.

Thu thập

Từ ghép, chữ Hán viết là 收拾, bính âm là /shōushí/ trong đó:

  • thu là bắt lấy, nhặt lấy, như "thu hồi" là lấy lại, "tận thu" là gom hết luôn, lấy hết luôn không chừa thứ gì;
  • thập cũng có nghĩa là nhặt lấy, nhặt nhạnh, mót lấy, ngoài ra còn có nghĩa là thu dọn, thu xếp.

"Thu thập" nghĩa là gom góp, góp nhặt, tập hợp lại, như "thu thập ý kiến", còn có nghĩa là chỉnh đốn, dọn dẹp, sắp xếp lại như "thu thập tàn cuộc".

Mộng mị

Từ ghép, chữ Hán viết là 夢寐, giản thể là 梦寐, bính âm là /mèngmèi/ trong đó:

  • mộng là nằm mơ, nằm chiêm bao;
  • mị là ngủ say.

"Bình Ngô đại cáo" viết: Đồ hồi chi chí, ngộ mị bất vong (圖回之志,寤寐不忘), ngộ là thức, mị là ngủ, ý là chí đồ hồi dù thức hay ngủ cũng không quên, mà chúng ta quen nghe bản dịch của Ngô Tất Tố là "Những trằn trọc trong cơn mộng mị, Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi". "Mộng mị" là từ ghép chỉ việc ngủ mà nằm mơ, ta thường dùng để chỉ nằm chiêm bao chung chung.

Khai khẩn

Từ Hán Việt, chữ Hán viết là 開墾, giản thể viết 开垦, bính âm là /kāikěn/, trong đó:

  • khai là mở;
  • khẩn là vỡ đất hoang, Thiều Chửu giảng "dùng sức vỡ các ruộng hoang ra mà cày cấy gọi là khẩn".

"Khai khẩn" là từ ghép chỉ việc mở mang vùng đất hoang để mà trồng trọt, sinh sống.

Lâm ly

Từ Hán việt, viết là 淋漓, bính âm là /línlí/, trong đó:

  • lâm là ngâm nước, dầm nước, ướt đẫm, như "nhật sái vũ lâm" là dầm mưa dãi nắng;
  • ly là thấm ướt, thấm khắp, Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng nước thấm vào đất thì gọi là ly.

"Lâm ly" (cũng viết "lâm li") là từ ghép vốn có nghĩa thấm ướt, ướt át, mở rộng nghĩa thành buồn rầu thấm thía. Từ điển Hoàng Phê giảng chuyện gì buồn thảm, gây thương cảm là "lâm ly", như tiếng khóc nghe lâm ly hay khúc nhạc lâm ly.

Lăng loàn

Từ Hán Việt, chữ Hán viết là 凌亂, giản thể viết 凌乱, bính âm là /língluàn/, trong đó:

  • lăng là xâm phạm, như "lăng nhục", "xâm lăng";
  • loàn, thường đọc là "loạn", nghĩa là lộn xộn, rối rắm, mất trật tự.

Về mối quan hệ âm đọc giữa "loàn" với "loạn" còn có thể tìm thấy sự tương đồng ở nhiều trường hợp khác như "dùng - dụng", "loài - loại", "nhì - nhị", "vàn (muôn vàn) - vạn". "Lăng loàn", từ điển Hoàng Phê giảng là động từ, nghĩa là có hành vi hỗn xược xúc phạm người trên, không chịu phục tùng khuôn phép (thường nói về phụ nữ trong quan hệ gia đình), như "con dâu lăng loàn với mẹ chồng", "thói lăng loàn", "ăn nói lăng loàn", "người vợ lăng loàn".

Bêu riếu

Từ ghép, trong đó:

  • bêu là nêu lên, đưa ra, bày ra cho mọi người đều trông thấy;
  • riếu là cười cợt, chế nhạo.

Chữ "riếu" có một âm nữa là "riễu", âm "riễu" này lại có một âm quen thuộc với chúng ta hơn là "giễu", trong từ giễu cợt, chế giễu. "Bêu riếu" nghĩa là đưa ra, bày ra chuyện gì đó cho mọi người cùng biết, cùng thấy và cười cợt, chế nhạo chuyện ấy.


No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan