Nguyên thủy là thời kỳ đầu tiên của xã hội loài người, là thời kỳ đồ đá của chế độ công xã nguyên thủy, cũng đồng nghĩa với thời tiền sử, là giai đoạn lịch sử trước khi có chữ viết ghi chép lại.

Giai đoạn này mực nước biển còn thấp hơn khoảng 100m so với ngày nay. Khi ấy nhô lên một phần lục địa Việt Nam, qua bán đảo Malaysia, nối liền với các đảo của Indonesia như Java, Sumatra, Kalimantan. Xen kẽ những thời kỳ hạn là thời kỳ mưa nhiều, khí hậu ẩm và mát hơn bây giờ, bầy người vượn sống dựa vào hang đá, lùm cây, và sinh sống bằng cách hái lượm, săn bắt.

Một dải đất nối liền
Sinh vật di chuyển tự do từ các đảo Indonesia với phần lục địa Đông Nam Á

 

Đặc điểm mỹ thuật thời KỲ ĐỒ ĐÁ

Thời kỳ này còn gọi là thời kỳ hình thành cơ tầng văn hóa nghệ thuật bản địa, là thời kỳ hình thành tầng lớp văn hóa cội rễ ban đầu của một địa bàn dân tộc làm nền móng cho sự phát triển văn hóa của các giai đoạn về sau. Cơ tầng văn hóa bản địa Việt Nam hình thành từ thời tiền sử với những chứng tích ở Núi Đọ, Sơn Vi, Hòa Bình,...

Các nhà khảo cổ học chia thời kỳ Đồ Đá làm 3 giai đoạn

1. Thời kỳ Đồ Đá cũ - paleolithic age
  • Thời gian: xuất hiện từ 23.000 TCN (văn hóa Tràng An)
  • Phân bố: Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị,..
  • Di tích: núi Đọ (Thanh Hoá), văn hóa Ngườm (Thái Nguyên), văn hoá Sơn Vi (Phú Thọ)
2. Thời kỳ Đồ Đá giữaMesolithic age
  • Thời gian: xuất hiện từ 10.000 TCN
  • Phân bố: trên một địa bàn rộng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc
  • Di tích: Văn hoá Hoà Bình
  • Mỹ thuật: 4 hình khắc ở hang Đồng Nội
3. Thời kỳ Đồ Đá mới - Neolithic age
  • Thời gian: xuất hiện từ 6000 TCN
  • Phân bố: vùng núi Tây bắc, Trung bộ, Tây nguyên và Đông nam bộ
  • Di tích: văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hà Giang, văn hóa Mai Pha, văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, văn hóa Hạ Long, Văn hóa Đa Bút
  • Mỹ thuật:
    • Xuất hiện hoa văn trang trí trên đồ gốm, các hình khắc trên
    • Biết dùng màu đỏ thổ hoàng trang trí đồ gốm, nhuộm vỏ ốc, rìu đá

 

Bảo Tàng di tích Khảo cổ Bắc Sơn
Bảo Tàng di tích Khảo cổ Bắc Sơn

 

Thời Kỳ đồ đá cũ

(paleolithic age)

  • Thời gian: Cách ngày nay khoảng 30 vạn năm
  • Đặc điểm
    • Người vượn còn sống trong các hang động tự nhiên, chưa xuất hiện các dạng nhà ở, lều trại
    • Chủ yếu sống bằng săn, bắt, hái, lượm, chưa biết cách trồng trọt, chăn nuôi..
    • Đã tụ họp thành bầy, trong quá trình chuyển dần vào chế độ thị tộc nguyên thủy
    • Biết cách dùng lửa
    • Xuất hiện tín ngưỡng sơ khai về thế giới sau khi chết
  • Công cụ
    • Là các mảnh đá, mảnh tước, rìu tay được tạo ra bằng phương pháp ghè đẽo.
    • Phát triển công cụ đá bazan thô sơ sang công cụ đá cuội ở bãi sông (cứng hơn, hiệu quả hơn)
  • Địa bàn
    • Di tích núi Đọ (Thanh Hoá), Văn hoá Sơn Vi (Phú Thọ) 20.000 - 12.000 TCN
    • Cuối thời kỳ này địa bàn người Việt cổ sinh sống khá rộng
      • Miền Bắc: Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Bắc Ninh, Bắc Giang.
      • MiềnTrung: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị

 

Di tích núi Đọ (Thiệu Hóa, Thanh Hóa): Các công cụ đồ đá tìm được ở khu di tích núi Đọ tiêu biểu cho sơ kỳ thời đại đá cũ – giai đoạn Chellean - Acheulean (Sen – A sơn, Chelléen - Acheuléen) cách nay khoảng 30 vạn năm.

Núi Đọ, Thanh Hóa là nơi quần cư của người Việt cổ từ buổi bình minh của loài người
Núi Đọ, Thanh Hóa là nơi quần cư của người Việt cổ từ buổi bình minh của loài người

 

Tại núi Đọ đã phát hiện hàng vạn công cụ do người vượn ghè đẽo thô sơ gồm những mảnh tước, những công cụ chặt và một số rìu tay và nạo được ghè đẽo nhiều hơn, có hình dáng cân xứng hơn dùng để cắt, chặt và xẻ thịt. Các mảnh tước được tạo ra bằng kỹ thuật ghè đá trực tiếp bằng cách dùng đá đẽo đá.  Người nguyên thuỷ cầm hòn ghè bằng đá trực tiếp bổ xuống theo hướng đã định sẵn, để tách ra những mảnh tước. Số lượng mảnh tước chiếm hơn 90% tổng số các loại hiện vật tìm được, ngoài ra còn một số ít rìu đá.

 

Các mảnh tước và rìu đá tìm thấy ở Núi Đọ
Các mảnh tước và rìu đá tìm thấy ở Núi Đọ

 

Di chỉ núi Đọ thuộc về thời kỳ tổ chức xã hội đang hình thành. Người vượn đã vượt qua giai đoạn tạp hôn và bước vào giai đoạn tiền thị tộc. Hậu kỳ thời đại đá cũ tồn tại song song 2 văn hóa thuộc 2 kỹ nghệ khác nhau: văn hóa Sơn Vi - kỹ nghệ cuội ghè (30.000 – 11.000 năm TCN), văn hóa Ngườm - kỹ nghệ mảnh tước (40.000 – 20.000 năm TCN). Hai văn hóa này có khuynh hướng phát triển và tầm ảnh hưởng khác nhau Văn hóa Ngườm (thung lũng Thần Sa, Thái Nguyên): Kỹ nghệ Ngườm gồm hang Miệng Hổ và mái đá Ngườm (lớp dưới), cùng ở thung lũng Thần Sa (Thái Nguyên) mà đặc trưng nổi bật là chế tác và sử dụng công cụ mảnh tước nhỏ có tu chỉnh làm công cụ lao động. Đây là giai đoạn phát triển của người tối cổ sang người tinh khôn (Homo- sapiens) ở Việt Nam trước nền văn hóa Sơn Vi. Thời kỳ này công xã thị tộc hình thành, các cư dân sống trong mái đá, hang động, ven bờ sông, suối với công cụ lao động là đá cuội được ghè đẽo ở rìa tạo thành cạnh sắc. Địa bàn cư trú từ Sơn La đến Quảng Trị.

 

Khu di tích khảo cổ học Thần Sa
Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, Thái Nguyên

 

Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, Thái Nguyên phát hiện di chỉ khảo cổ có niên đại từ trung kì đá cũ đến sơ kì thời đại đồ đá mới như: Phiêng Tung, Ngườm, Nà Ngùn, Thắm Choong, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2…

Lửa và tín ngưỡng sơ khai

Văn Hóa Sơn Vi (Lâm Thao, Phú Thọ): Văn hóa Sơn Vi thuộc hậu kỳ đá cũ (khoảng 10 000 TCN) trên đất nước Việt Nam đã có người khôn ngoan (Homo- sapiens) cư trú các vùng thuộc Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Xuất hiện các bộ lạc săn bắt, hái lượm, dùng đá cuội để chế tác công cụ. Dựa vào kỹ thuật chế tác giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng họ đã có tư duy phân loại, đó là sự lựa chọn nguyên liệu đá và trong sự đa dạng của các loại hình công cụ. Người nguyên thủy đã biết dùng lửa. Họ đã chôn người chết cùng với những công cụ ngay nơi cư trú đã nói lên niềm tin của người nguyên thủy về một thế giới khác, mà ở đó người chết vẫn tiếp tục ”sống".

Rìu tay và riu chặt (Giai đoạn đổ đá cũ — tlm thấy tại miền Đông Nam Bộ)

 

Tại nhiều nơi khác trên đất nước ta từ Sơn La đến Đồng Nai cũng đã tìm thấy nhiều công cụ chặt và rìu tay.

 

THỜI KỲ ĐỒ ĐÁ GIỮA

(Mesolithic age)

  • Đặc điểm
    • Sống trong lều, công cụ bằng tre, xương, sừng.
    • Xuất hiện trồng trọt, làm nông nghiệp
    • Xuất hiện tín ngưỡng thờ vật tổ.
    • Xuất hiện đồ gốm sơ khai
  • Công cụ:
  • Mỹ thuật: Hình khắc mặt người trong hang Đồng Nội (Hoà Bình) với tỉ lệ tương đối cân đối và hoàn thiện
  • Địa bàn:
    • Văn hoá Hoà Bình trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía Tây châu thổ ba con sông lớn thuộc Bắc Bộ Việt Nam
    • và với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và cả Nam Trung Quốc.

Thời kỳ này, cách nay khoảng một vạn năm, đã có những thay đổi quan trọng: Loài người bước vào thời đại đồ đá giữa.

Trồng trọt xuất hiện

Tiêu biểu cho giai đoạn này là văn hóa Hòa Bình (do nhà khảo cổ học người Pháp Madelene Colani phát hiện), cư dân văn hóa Hòa Bình sống chủ yếu trong các hang động núi đá vôi, vẫn sống chủ yếu bằng săn bắt và hái lượm. Gần đây, người ta đã tim thấy hạt và quả của nhiều loại cây thuộc họ rau đậu, bầu bí chứng tỏ nền nông nghiệp sơ khai đã xuất hiện ở thời kỳ này.

Các hình khắc trên vách hang động

Tại hang Đồng Nội (xã Đồng Tâm, Lạc Thủy, Hòa Bình) tìm thấy 4 hình khắc trên vách sâu tới 2 cm. Đó là hình đầu người đàn ông có khuôn mặt gần vuông cao 31 cm, rộng 34 cm, có đầy đủ mắt mũi miệng và lông mày. Hình đầu người phụ nữ có khuôn mặt hình bán nguyệt cao 13 cm, rộng 18 cm, có mắt mũi miệng nhưng không có lông mày nên trông dịu dàng hơn. Hình đầu người phía trong có kích thước nhỏ hơn, có lẽ đó là đầu một em bé. Đặc biệt cả 3 hình đều có gắn trên đầu một nhánh cây hình gần giống chữ Y (có lẽ là một cách hóa trang để đi săn hoặc cũng có thể là một nghi lễ gắn với hình thức thờ phụng của người Việt cổ).

Bốn hình khắc trên vách hang Đồng Nội một mặt chứng tỏ tư duy hình tượng và nghệ thuật của người Việt thời đồ đá giữa đã tiến thêm một bước. Họ đã bộc lộ khả năng quan sát và thể hiện tỷ lệ mặt người, thú tương đối cân đối và hoàn thiện, ngoài ra còn thể hiện tài năng khéo léo với nét chạm khắc thoáng đạt phong phú và độ sâu to nhỏ cứng cáp hoặc mềm mại. Qua đó cũng đã cho chúng ta có thể suy đoán hiểu biết về con người và cuộc sống của họ.

Hình khắc trong hang Đông Ky (Thái Nguyên)
Hình khắc trong hang Đông Ky (Thái Nguyên)

Hàng loạt các di tích khác đã chứng tỏ điều này như tại hang Lam Gan (Hòa Bình) thấy một hình cành cây trên một mũi dùi bằng xương, ở làng Bon (Yên Lạc - Quảng Ninh) có hình cành lá trên viên đá cuội, hang Nà Ca, hang Đông Kỵ (Thái Nguyên) tìm thấy những viên đá có khắc những vạch chéo tản ra như nan quạt và giống hình mặt người... Những hình khắc trên có vẻ bí hiểm chắc có liên quan đến tín ngưỡng nào đó của chủ nhân nguyên thủy.

 

THỜI KỲ ĐỒ ĐÁ MỚI

(Neolithic age)

  • Đặc điểm:
    • Biết mài đá làm công cụ,
    • Kỹ thuật làm đất, tạo đồ gốm
    • Biết chăn nuôi, đánh cá
    • Biết tạo đồ trang sức: đá, vỏ ốc, đất nung.. vòng tay, vòng cổ, khuyên tay
    • Biết dệt vải
  • Mỹ thuật:
    • Xuất hiện hoa văn trang trí trên đồ gốm, các hình khắc trên đất nung
    • Biết dùng màu sắc (màu đỏ thổ hoàng) trang trí đồ gốm, nhuộm vỏ ốc, rìu đá
  • Văn hoá Bắc Sơn (10.000 - 8.000 TCN), văn hoá Quỳnh Lưu, Bàu Tró, Hạ Long

Thời kỳ đồ đá mới với sự xuất hiện của nông nghiệp cùng việc sản xuất đồ gốm đã đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong đời sống con người, từ kinh tế khai thác sang kinh tế sản xuất. Cũng nhờ phương thức sản xuất mới mà con người đã mở rộng không gian sinh tồn. Cho tới nay, các nhà khảo cổ học đã định danh được một số văn hóa, phân bố từ Bắc vào Nam như mở đầu là văn hóa Bắc Sơn tiếp đến là văn hóa Hà Giang, văn hóa Mai Pha (Lạng Sơn), văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An), văn hóa Bàu tró (Quảng Bình), văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh), văn hóa Đa Bút (Thanh Hóa), và những nhóm di tích tại các khu vực vùng núi Tây Bắc, vùng Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với những làng định cư lâu dài, ổn định, trong đó bên cạnh quan hệ dòng máu đã xuất hiện ngày càng nhiều những quan hệ láng giềng phức tạp. Về mặt văn hóa, do đặc điểm về địa lý và tổ chức xã hội, đã tách ra những vùng văn hóa mang đặc điểm khác nhau, nhưng những hiện vật liên quan tới mỹ thuật đều được chế tạo từ đá và gốm.

Các công cụ bằng đá, đồ gốm, đồ trang sức được chế tạo khéo léo, chủng loại phong phú mang tính thẩm mỹ cao, ngoài ý nghĩa thực dụng chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật. Họ đã biết sử dụng kỹ thuật mài đá, đầu tiên là rìu tứ giác mài lưỡi Bắc Sơn với hinh dáng cân đối, tiếp đến xuất hiện rìu có vai, rìu có nấc ở văn hóa Hạ Long đến văn hóa Đa Bút xuất hiện rìu có vai hơi lệch tiền thân rìu lưỡi xéo sau này.

Rìu có vai, Rìu có nấc - Văn Hóa Hạ Long
Rìu có vai, Rìu có nấc - Văn Hóa Hạ Long

Những đồ gốm đầu tiên được làm bằng khuôn đan, tiếp đến nặn bằng tay rồi bằng bàn xoay nên kiểu dáng ngày càng phong phú và hoa văn trang trí đa dạng. Bắt đầu là những dấu nan đan, dấu vân tay rồi xuất hiện hoa văn khắc vạch, văn thừng, văn vạch ngắn song song, hoặc cắt chéo nhau tạo thành những ô quả trám, hình chữ S, hoa văn hình tròn, hình hoa bốn cánh, sáu cánh.... Chứng tỏ rằng cư dân thời này đã hình thành mỹ cảm. Đặc biệt các hoa văn hình tròn biểu hiện mặt trời phản ánh tư duy về thời gian, về tín ngưỡng thờ mặt trời. Có thể bấy giờ đã bắt đầu hình thành một loại nông lịch sơ khai và có tín ngưỡng Thần Nông..

Rìu tứ giác, rìu có vai, rìu cổ nấc mài lưỡi (đồ đá mới Đông Nam Bộ )

Tóm lại, các cư dân Đông Nam Á trong đó có người Việt thời tiền sử đã có những thành tựu vật chất và tinh thần, đặc biệt là nghề nông, tiêu biểu là nghề trồng lúa. Những thành tựu ấy làm nền tảng cho thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời kỳ xác lập bản sắc văn hóa Việt.

Khai quật di tích khảo cổ tại Lung Chen, Tây Nguyên
Khai quật di tích khảo cổ tại Lung Chen, Tây Nguyên

Đồ gốm và hoa văn trang trí

Theo sách “Mỹ thuật của người Việt" của Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng đồ gốm Hoa Lộc (Thanh Hóa) cuối thời đồ đá mới có một bước nhảy vọt. Các vật dụng đều được làm bằng bàn xoay, kiểu dáng phong phú, độ nung khá cao (khoảng 600oC), tất cả đều được trang trí hoa văn hình học với 18 loại hoa văn phối hợp với nhau tạo thành 40 đồ án trang trí bảo đảm bốn nguyên tắc:nhịp điệu có chu kỳ và biến đổi, đường nét khúc chiết và các khoảng hở nhắc lại ở tuyến phát triển, và quay ngược chiều tuyến phát triển, phối hợp chấm và gạch.

đồ gốm ở Minh Cầm, Bàu Tró, Quảng Bình

Một số đồ gốm tìm được ở Minh Cầm, Bàu Tró (Quảng Bình) còn được trang trí bằng những băng màu đỏ rộng từ 10mm đến 25mm và những vỏ ốc, rìu đá được nhuộm màu đỏ cùng với những miếng thổ hoàng đỏ chôn theo người chết.

 

ĐẶC ĐIỂM mỹ thuật nguyên thủy Việt Nam

  1. Những hiện vật liên quan tới tư duy thẩm mỹ nghệ thuật đã tìm thấy ở Việt Nam cách đây khoảng 30 vạn năm, cho đến nay chưa tìm thấy những tác phẩm Điêu khắc, Kiến trúc, hội họa to lớn như ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh mà chỉ tìm được một số tác phẩm chạm khắc trên chất liệu đá, đất, xương thú. Có lẽ do đặc điểm địa lý, khí hậu, vật liệu xây dựng, đặc điểm đời sống đã không đòi hỏi, không làm nảy sinh những cái to lớn đồ sộ.
  2. Bước đầu các nghệ nhân nguyên thủy đã bộc lộ khả năng quan sát, thể hiện đặc điểm đặc trưng của một số sự vật, hình tượng. Tỷ lệ tương đối cân đối. Ở một số hình còn thể hiện ý thức bố cục. Ngoài khả năng vẽ hình, người nguyên thủy Việt Nam còn bắt đầu tìm cách sử dụng màu để vẽ trên các bình gốm hoặc nhuộm những mảnh đá, vỏ sò, vỏ ốc, những vật thiêng dành cho người đã khuất.
  3. Một số hình khắc người và thú ở hang Đồng Nội, những hình trang trí trên đồ đá, đồ trang sức và đặc biệt là đồ gốm thời đá mới đã cho thấy sự đặc sắc của tạo dáng và trang trí bằng hoa văn hình học. Từ dáng rìu tứ giác mài lưỡi Bắc Sơn là một trong những chiếc rìu đẹp xuất hiện sớm trên thế giới đến kiểu dáng và hoa văn trang trí các đồ gốm Hạ Long- Hoa Lộc đã cho thấy cảm hứng phong phú của người Việt cổ: “Ít có đồ gốm thời đá mới trang trí hình học phong phú như ở Việt Nam” (Nguyễn Quân). Mặc dù phải đến khi xã hội hình thành, những dấu vết về nghệ thuật tạo hình mới xuất hiện, nhưng những hoạt động sáng tạo này đã đặt những viên gạch đầu tiên để tạo nền móng cho nghệ thuật tạo hình dân tộc sau này tiếp tục phát triển.

Phải chăng do âm mưu đồng hóa trong thời kỳ Bắc thuộc 1000 năm mà các công trình lớn đã không còn?

⟶ Mỹ Thuật Việt Nam - Thời kỳ Hùng Vương

5 chặng đường Lsmt Việt Nam
Mỹ thuật thời kỳ hình thành cơ tầng văn hóa nghệ thuật bản địa (thời nguyên thủy) Mỹ thuật thời kỳ xác lập bản sắc văn hóa Việt (Đông Sơn - Sa Huỳnh - Đông Nam Bộ) Thời kỳ giao lưu văn hoá hình thành văn hoá truyền thống Việt Nam
  • Mỹ thuật thời Bắc thuộc
  • Từ Sa Huỳnh đến Mỹ thuật Chăm Pa
  • Mỹ thuật văn hoá Óc Eo (Phù nam)
  • Mỹ thuật Thánh địa Cát Tiên
Mỹ thuật thời kỳ văn hoá Đại Việt (938 - cuốiTK XIX)
  • Mỹ thuật các đời phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê (938 -1009)
  • Mỹ thuật thời Lý
  • Mỹ thuật thời Trần (1226 -1400), thời Hồ (1400-1407)
  • Mỹ thuật thời Lê sơ (1427-1525)
  • Mỹ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI)
  • Mỹ thuật thế kỷ XVII-XVIII (thời vua Lê chúa Trịnh, Trịnh - Nguyễn phân tranh và Tây Sơn)
  • Mỹ thuật thời Nguyễn
Mỹ thuật Việt Nam hiện đại
  • Sự hình thành và phát triển mỹ thuật Việt Nam hiện đại
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1925 - 1945
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại 1945-1975
  • Mỹ thuật giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945 -1954
  • Mỹ thuật giai đoạn 1954-1975
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ năm 1975 đến nay
    • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại giai đoạn 1975-1985
    • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1986 đến nay

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan