Tiếp theo của văn hóa Đông Sơn ở miền bắc.

Thời kỳ Hùng Vương, nền văn hoá Đông Sơn được hình thành từ các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun của 3 nền văn hoá lớn ở lưu vực sông Hồng, sông Cả và sông Mã.

những Thành tựu Mỹ thuật thời Hùng Vương

Điêu khắc

  • Điêu khắc Đông Sơn tuy kích thước còn nhỏ, phần nhiều gắn với đồ ứng dụng nhưng là một bước nhảy vọt so với trước về số lượng, về độ chín muồi về thực tiễn thị giác
  • Những pho tượng đồng được thể hiện bởi những hình khối khái quát ước lệ nhưng có năng lực diễn tả sinh dộng.

Tượng người cõng nhau thổi khèn cao 8,8 cm ở Đông Sơn, người cõng nhún chân múa, người được cõng tay ôm lưng người kia, tay cầm khèn thổi, các đường chạy của khối thân, tay, chân lồng vào nhau như cùng hòa nhịp vào một điệu múa, toát lên cái dí dỏm lạc quan yêu đời

Tượng người quỳ làm chân đèn (Lạch Trường, Thanh hóa) cao 32 cm với cơ thể trần, bụng thon, hai chân quỳ gập làm đế vững chãi, hai tay bưng khay đèn ngang ngực, từ lưng, vai mọc ra hai gạc cong như sừng hươu, nét mặt toát lên vẻ nhẫn nhục.

Tượng Người ngồi thổi khèn trên cán gáo (Việt Khê- Hái Phòng). Chiếc gáo được tạo dáng thanh thoát, dài 17,8 cm. Tượng tuy nhỏ, song được làm khá chi tiết. Một đầu khèn đặt trên chân, đầu kia tựa vào vòng tròn ở cán muôi, tỷ lệ người khá cân đổi, tóc búi cao, khối mặt được diễn tả kỹ. Tượng vừa diễn tả được tâm trạng say sưa của người thổi khèn, vừa là tác phẩm nghệ thuật trang trí cho chiếc gáo đẹp hơn.

Đặc biệt trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) có 4 cặp tượng nam nữ với lối tạo hình đơn giản, cụ thể nhưng mang một ý nghĩa độc đáo: mong muốn cuộc sống vẫn được tiếp tục mãi mãi. Thạp đồng dùng để chôn theo người chết (xác hoặc đồ cúng tế). Cảnh nam nữ giao hoan ở 4 hướng trên nắp thạp, thể hiện ý nghĩa "cuộc sống được tái sinh sau khi chết"

Những tượng người trên cán dao găm vừa có ý nghĩa trang trí, vừa có ý nghĩa thực tiễn, do vậy phong cách thể hiện có hơi bị gò bó kém sinh động. Tuy nhiên tính chất hiện thực được diễn tả khá công phu, chi tiết với nhiều kiểu dáng khác nhau đã nâng giá trị của các pho tượng này.. Cán dao có độ dài bằng 1/3 dao. Tượng thường được diễn tả tay chống nạnh, đàn bà mặc váy, áo bó sát người, ngực nở, tóc vấn cao, mũ vải hình chóp, hoa tai lớn, đàn ông cởi trần, đóng khố với những hoa văn xương cá.

Súc vật cũng được dùng làm tượng cán dao, như ba dao găm Làng Vạc, dao dài 12,6 cm, với cặp rắn lồng vào nhau ngoạm chân voi, dao dài 22.2 cm cặp rắn đỡ hổ, dao dài 27,5 cm với cặp hổ đỡ voi. Không như tượng người, tượng thú trên cán dao găm được biến dạng khá cao như những dây leo xoắn xuýt, cố gắng khái quát thực tế hơn là tả thực.

Ngoài ra còn tìm thấy nhiều tượng thú vật, trong đó con cốc (nhái) nhiều nhất sau đó là rùa, hổ, bò gà chim cá... Một số tượng được diễn tả rất chi tiết, cụ thể, nhưng có một số tượng lại chỉ chú trọng những đặc điểm đặc trưng nhất Nghệ thuật trang trí: Phát triển đạt đến trình độ cao, thể hiện ở đồ trang sức, kiểu dáng các vật dụng và nghệ thuật chạm khắc trang trí.

Bao chân gắn quả nhạc bằng đồng (di chỉ Làng Vạc - Nghệ An)

Hầu hết những đồ đồng này đều được trang trí với những đồ án hoa văn phong phú, được chạm khắc chìm kết hợp chạm khắc nổi tinh xảo. Ngoài những đồ án hình học phỏng theo những hoa văn trang trí trên đồ gốm thuộc giai đoạn Gò Mun, còn có rất nhiều hình tượng sinh động từ thiên nhiên, từ cuộc sống với những đường nét chạm khắc chính xác, khái quát, cô đọng một cách sinh động các đối tượng miêu tả. Những đề tài được diễn tả rất sinh động, hiện thực, đó là những căn nhà sàn, những người múa, giã gạo, đánh trống, chèo thuyền, chim, hươu, cá....

Thạp Đồng
Thạp Đồng

Trong Văn hóa Đông Sơn, những chiếc Trống Đồng là chứng nhân tiêu biểu, đầy đủ nhất của thời đại kim khí, có mặt rộng khắp các nước vùng Viễn Đông và Đông nam Á: Việt Nam, Trung Hoa, Indonexia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaixia, Philipin, Mianma.

Trống đồng Đông Sơn ghi dấu khắp nơi tại Đông Nam Á
Trống đồng Đông Sơn ghi dấu khắp nơi tại Đông Nam Á

Trống đồng H.1 là trống xưa nhất, có niên đại từ giữa thiên niên kỷ I TCN đến thế kỷ III SCN. Thân trống chia làm 3 rõ rệt: phần tang trống, thân trống, chân trống. Mặt trống không chờm quá tang trống. Hoa văn trang trí phủ kín mặt và thân. Trống sớm chưa có tượng cóc, trống hậu kỳ thường xuất hiện 4 nhóm tượng cóc trên mặt trống. Trong trống H1 có 4 trống đẹp nhất: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà (Việt Nam ) và Khai Hóa (Vân Nam- TQ).

Trống Đồng Ngọc Lũ
Trống Đồng Ngọc Lũ

Trống đồng Ngọc Lũ xưa nhất đẹp nhất. Trống cao 63 cm, tang trống có đường kính 79 cm, thân hình trụ tròn thẳng đứng, chân hơi loe hình nón cụt. Giữa tang trống và thân trống có gắn hai cặp quai kép trang trí văn thừng, mặt trống gồm 9 vòng tròn đồng tâm: Vành 1 chính giữa là ngôi sao 14 cánh, giữa các cánh là hoa văn lông công. Vành 2 hoa văn chữ S, chấm gạch, vòng tròn tiếp tuyến. Vành 3 rộng nhất gồm các cảnh nhẩy múa, đánh trống, giã gạo và 4 hình nhà sàn. Vành 4 hoa văn hình tròn có tâm và tiếp tuyến. Vành 5 gồm chim đầu tròn đang bay và hươu. Vành 6 hoa văn vòng tròn có tâm và tiếp tuyến. Vành 7 có 18 chim mỏ dài đang bay, chim mỏ ngắn đứng xen kẽ. Vành 8 hoa văn răng lược và vòng tròn có tâm tiếp tuyến. Vành 9 không trang trí

Tang trống cũng phân chia 3 vành trang trí hoa văn xen kẻ sáu con thuyền, trên thuyền có thuyền trưởng, thủy binh, người lái, người bắn cung, tù binh và hình chim, chó. Thân trống phân thành hai băng ngang trang trí kết hợp với 6 cột trang trí dọc tạo thành 6 ô chữ nhật, trong mỗi ô có hai cặp vũ sĩ hóa trang cầm rìu múa. Chân trống không trang trí.

Hoa Văn trang trí thân TRống Đồng
Hoa Văn trang trí thân Trống Đồng

Do kỹ thuật khắc chìm kết hợp khắc nổi nên đã tạo ra độ cao thấp cho các hình tượng. Điều này đã tạo ra mảng sáng tối đậm nhạt phong phú cho toàn bộ hình trang trí. Hình nhà cửa, con người, chim thú... đều được diễn tà bằng nét thẳng dứt khoát, khúc triết xen kẽ nét cong tạo sự mềm mại cần thiết. Hình chim đơn giản, rõ ràng thể hiện tính cách điệu cao bên cạnh hình hươu đậm chất hiện thực. Con người và muông thú được diễn tả ở hướng nhìn nghiêng, song cánh, mắt... lại diễn tả ở hướng chính diện theo một quy định rõ ràng. Tất cả đã tạo nên những mô tip trang trí đơn giản song rất sinh động và mang tính cách điệu cao.

Hoa Văn trên mặt Trống Đồng Ngọc Lũ
Lưu ý là rất nhiều nước tranh giành là nơi xuất xứ của Trống Đồng, do chúng được tìm thấy ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các khu vực Quảng Đông, Quảng Tây vốn là nơi người Bách Việt xưa kia sinh sốn. Trống Đồng ở những vùng này có những cái còn to lớn hơn những hiện vật tìm thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên chỉ có Trống Đồng ở Việt Nam là có độ tinh xảo cao và có mật độ tìm thấy cao nhất

Nghệ thuật kiến trúc

Căn cứ vào sử sách và những dấu tích còn lại cho thấy có 2 loại hình kiến trúc phát triển là kiến trúc nhà ở và kiến trúc thành lũy

Dấu tích nhà sàn, cọc gỗ khai quật di tích Đông Sơn (Thanh Hóa, 1961)
Dấu tích nhà sàn, cọc gỗ khai quật di tích Đông Sơn (Thanh Hóa, 1961)

Kiến trúc nhà ở: Trong một số di chỉ khảo cổ ở Văn Điển, Đông Sơn còn tìm được cột gỗ dài 4,5 m có đục mộng cách chân cột 1,25 m, cách đầu cột 0,5 m cũng có vết khắc. Phải chăng đó chính là những cây cột vừa dùng để đỡ mái nhà, vừa dùng để đỡ sàn nhà thời Đông Sơn. Trên trống đồng Đông Sơn ta thấy có hình nhà sàn theo hai kiểu: Kiểu thứ nhất hình thuyền, trên mái được trang trí hình một hoặc hai con chim cách điệu. Kiểu thứ hai mái tròn hình mui rùa, hai đầu mái là hai hình tròn đồng tâm. Cả hai kiểu nhà sàn đều có cấu trúc cân đối, hài hòa

Kiến trúc thành lũy: Thành Phong Châu của các Vua Hùng đến nay không còn để lại vết tích. Dấu tích kiến trúc thành lũy còn lại đến nay là thành cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) do An Dương Vương xây dựng vẫn còn hiện lên khá rõ Theo truyền thuyết thành cổ Loa hình xoáy trôn ốc có 9 vòng. Hiện trạng thành còn ba vòng, được đắp bằng đất, mặt ngoài thẳng đứng mặt trong thoai thoải để binh lính dễ lên xuống. Chân thành được kè đá, các lớp đất đắp thành được rải gốm chống trượt.

Thành nội: hình chữ nhật chu vi 1,2 km song hiện nay chỉ còn một số đoạn không hoàn chỉnh cao trung bình từ 1 đến 3,5 m rộng trung bình từ 10 đến 15 m. Thành trung: hình tự nhiên, chu vi 6,5 km, song hiện nay chỉ còn hơn một nửa không nguyên vẹn, rộng trung bình 17,5 m cao trung bình 5,4 m. Thành ngoại: hình tự nhiên, chu vi 8 km, nhiều đoạn thành đã bị phá, còn lại một số đoạn, cao trung bình 2,6 m, rộng trung bình 18 m

 

Nhận xét chung về mỹ thuật thời Hùng Vuơng

1. Thể hiện được mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên

Quá trình phát triển mỹ thuật ở thời Hùng Vương là quá trình nhận thức có tính chất ước lệ, khái quát các hiện tượng thiên nhiên chuyển sang quá trình nhận thức đúng đắn thế giới khách quan, nhận thức đúng đắn về con người, hoạt động của con người và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Nội dung hiện thực diễn tả cuộc sống về mọi mặt của con người là điểm trội nhất của mỹ thuật thời Hùng Vương.

2. Nghệ thuật trang trí phát triễn

Mỹ thuật thời Hùng Vương mang tính chất trang trí độc đáo. Nghệ thuật chạm khắc bằng những đường nét hình học khái quát một cách đúng đắn, và thể hiện sinh đọng các đối tượng miêu tả. Những bố cục chạm khắc theo những nhịp điệu khúc triết thỏa mãn yêu cầu trang trí. Nghệ thuật tượng tròn cũng mang tính chất trang trí (thường được gắn kết làm đẹp cho các đồ đồng lớn) được thể hiện bằng những hình khối ước lệ, khái quát nhưng diễn tả chân xác các dáng điệu và tình cảm của đối tượng.

3. Còn giữ nguyên tính dân chủ

Mỹ thuật thời Hùng Vương là sản phẩm của một xã hội còn mang trong lòng những cơ cấu và những thiết chế công xã. Tính chất dân chủ trong nghệ thuật được biểu hiện ở những kích thước đều nhau cùa các đối tượng nghệ thuật, nhất là việc thể hiện hỉnh người thường theo những tỷ lệ, những khuôn mẫu giống nhau. Trong nghệ thuật tạo hình thời này chưa thấy xuất hiện những hình tượng các vị thần, vua chúa như một số quốc gia phương Đông cổ đại, cũng chưa thấy xuất hiện những hình mẫu mang tinh chất thần thoại huyền bí lối thao thiết trong nghệ thuật thời đại đồ đồng ở Trung Quốc. Mặc dù số lượng tác phẩm không nhiều, không hoành tráng như nghệ thuật tạo hình thế giới cùng thời đại nhưng nền mỹ thuật thời kỳ này tạo nền móng, cơ sở cho một nền mỹ thuật dân tộc ngày càng được phát triển trong các giai đoạn sau.

Lịch sử mỹ thuật Việt Nam
Mỹ thuật thời kỳ hình thành cơ tầng văn hóa nghệ thuật bản địa (thời nguyên thủy) Mỹ thuật thời kỳ xác lập bản sắc văn hóa Việt (Đông Sơn - Sa Huỳnh - Đông Nam Bộ) Thời kỳ giao lưu văn hoá với Trung Hoa và khu vực hình thành văn hoá truyền thống Việt Nam
  • Mỹ thuật thời Bắc thuộc
  • Mỹ thuật Chăm Pa
  • Đặc điểm mỹ thuật văn hoá Óc Eo (Phù nam)
  • Đặc điểm mỹ thuật Thánh địa Cát Tiên
Mỹ thuật thời kỳ văn hoá Đại Việt (938 - cuối thế kỷ XIX)
  • Mỹ thuật các đời phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê (938 -1009)
  • Mỹ thuật thời Lý
  • Mỹ thuật thời Trần (1226 -1400), thời Hồ (1400-1407)
  • Mỹ thuật thời Lê sơ (1427-1525)
  • Mỹ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI)
  • Mỹ thuật thế kỷ XVII-XVIII (thời vua Lê chúa Trịnh, Trịnh - Nguyễn phân tranh và Tây Sơn)
  • Mỹ thuật thời Nguyễn
Mỹ thuật hiện đại Việt Nam
  • Sự hình thành và phát triển mỹ thuật Việt Nam hiện đại
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1925 đến 1945
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại 1945-1975
  • Mỹ thuật giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945 -1954
  • Mỹ thuật giai đoạn 1954-1975
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ năm 1975 đến nay
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại giai đoạn 1975-1985
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1986 đến nay

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan