Trong lịch sử mỹ thuật, mỗi một trường phái mới ra đời thường rơi vào giai đoạn thoái trào của trường phái trước đó - Đã chán chê cái cũ, rồi cái mới mới được sinh ra, đó là điều làm cho nó dễ được xã hội công nhận và tỏa sáng.

Thế nhưng cũng có những trường phái thật sự nổi bật nhưng để tỏa sáng cần phải có một nghị lực phi thường tranh đấu để cuối cùng cái đẹp mới được tôn vinh, đặc biệt với những tư tưởng bảo thủ nhiều quyền thế. Trường phái ấn tượng là một trong số đó...

"Everyone discusses my art and pretends to understand, as if it were necessary to understand, when it is simply necessary to love."- Cloude Monet

"Mọi người thảo luận tác phẩm của tôi và tỏ ra hiểu nó cứ như là nó cần để hiểu, trong khi đơn giản nó chỉ cần được yêu thương"

Nói đến trường phái ấn tượng (Impressionism) là phải nói đến một nhóm họa sĩ trẻ, mà đặc biệt là cánh chim đầu đàn: Claude Monet, cuộc đời của ông gắn liền với những khám phá kỹ thuật hội họa mới, một tư tưởng kiên định hình thành nên một trường phái vượt lên trên nền nghệ thuật hàn lâm cũ kỹ, lỗi thời.

Cloude Monet và bức chân dung tự họa

Với tôi, ông không chỉ là một họa sĩ thiên tài mà còn là biểu tượng của niềm đam mê, một nghị lực can cường trong môi trường nghệ thuật hà khắc.

Cuộc đời và sự nghiệp

Năm 1840 - Thời thơ ấu

Claude Monet, tên đầy đủ là Oscar-Claude Monet, sinh ngày 14 tháng 11 năm 1840 tại Paris. Ông là con trai thứ 2 của Adolphe Monet, một người bán tạp phẩm. Lúc ông được năm tuổi (1845), bố mẹ Monet chuyển về sống ở Le Havre (một thành phố phía bắc Paris, gần biển Normandie). Monet kể về tuổi thơ của mình như là một cậu bé vô kỷ luật, ông bộc lộ tính tự do bất chấp những nỗ lực thiết lập quy tắc trong gia đình. Người cha mà Monet rất kính trọng luôn muốn ông kế tục nghề truyền thống bán tạp hoá của gia đình nhưng ông chỉ có một đam mê duy nhất là hội họa. Những cuốn vở ở trường của ông luôn có đầy các hình nguệch ngoạc trên lề giấy, ông thường dùng cách này để nắm bắt đặc điểm khuôn mặt của các thầy cô trên lớp. Với năng khiếu và đam mê sẵn có, ông nhanh chóng trở thành người vẽ phim hoạt hình địa phương và các tranh biếm họa vui nhộn về những người quen biết (có cả giáo viên), và bán một số bản vẽ của mình cho người trong thị trấn. Trong thời gian này, các bản vẽ của ông được ký tên là “Claude", được trưng bày trên cửa sổ của một cửa hàng bán khung tranh kế bên cửa hàng của cha mình, và đó là “trang web” đầu tiên triển lãm các tác phẩm của ông.

Tranh biếm họa của ông được vẽ theo lối dí dỏm với cái đầu phóng to

Le Havre không phải là vùng đất dành cho họa sĩ, nó không có các viện bảo tàng nghệ thuật danh tiếng, không có khu triển lãm và cũng chẳng có trường mỹ thuật chuyên sâu nào, nhưng Le Havre có một bãi biển dài cho những lần ông trốn học lang thang... để rồi nhận ra màu sắc ngoài thiên nhiên không đứng yên mà luôn thay đổi theo thời tiết một cách nhanh chóng. "Màu sắc không cố định" là khác biệt lớn nhất của họa sĩ ấn tượng với các trường phái khác lúc bấy giờ. Có thể nói cuộc sống gần biển đã góp phần không nhỏ vào bước xoay chuyển trở thành một họa sĩ vẽ phong cảnh ngoài trời sau này của ông. (Vẽ ngoài trời là khái niệm khá mới mẻ trong thời kỳ này. Hầu hết các tác phẩm đều thực hiện trong các xưởng vẽ)

Một ngày nọ, ông gặp Eugène Boudin, một họa sĩ vẽ tranh trên bãi biển cũng trưng bày tranh ở cửa hàng, là người rất chú ý đến các bức vẽ của Monet. Chính họa sĩ này đã thuyết phục Monet từ bỏ tranh biếm họa và chuyển sang vẽ tranh ngoài trời với không gian và ánh sáng theo đúng với thời điểm mà nó được tạo ra. Theo Boudin, điều này có thể làm người xem cảm nhận được cái lạnh của từng cơn gió biển hay tiếng lạo xạo nhẹ nhàng của những viên đá cuội trong tranh.

Sea at Le Havre,1868, Claude Monet

Năm 1856 - Biến cố cuộc đời

Năm 16 tuổi (1856), ông đã bị sốc nặng khi mẹ ông qua đời. Cha ông nghĩ tốt nhất là cho ông thôi học và chuyển ông qua sống chung với người dì của mình, Marie-Jeanne Lecadre, một họa sĩ nghiệp dư, người chỉ vẽ tranh để thư giãn. Đây là quãng thời gian ông bắt đầu tập trung vào nghệ thuật. Những bức vẽ đầu tiên của ông là các bản vẽ bằng chì ký họa tàu thuyền và hầu hết bằng kỹ thuật mô tả theo hướng dẫn từ dì Lecadre. 

Lúc này, gia đình đã đồng ý cho ông theo ngành vẽ nhưng vẫn bất đồng vì ông không chịu theo học trường chính thống. Tháng 4/1859, Monet chuyển đến Paris để vào học viện nghệ thuật Académie Suisse (Học viện Thụy sĩ) và tại đây những bức tranh của trường Barbizon đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông, thời gian này ông đã tiếp xúc với những họa sĩ danh tiếng như Camille Pissarro, Cézanne, ...

Năm 1861, Monet vào phục vụ trong quân đội, đồn trú tại Algérie, là nơi mà ông rất hào hứng với màu sắc và ánh sáng thiên nhiên của Châu Phi. Chuyến đi này có lẽ đến từ sự ngưỡng mộ của ông với Eugène Delacroix, một họa sĩ thuộc trường phái lãng mạn, người đã tạo nên nhiều tác phẩm màu sắc tuyệt đẹp từ chuyến đi Morocco vào năm 1832.

Năm 1862, Dì của Monet đồng ý đưa ông trở về Pháp với điều kiện ông phải chịu theo những khóa học nghệ thuật ở các trường đại học chính thống. Cha ông muốn Monet gánh vác công việc kinh doanh tạp hóa của gia đình vì ông không tin họa sĩ là một nghề nghiêm túc, nhưng vẫn đồng ý cho Monet theo ngành vẽ với điều kiện ông phải theo học họa sĩ Charles Gleyre ở viện nghệ thuật. Chính tại xưởng vẽ này, Monet đã gặp các họa sĩ Auguste Renoir, Alfred Sisley, Frederic Bazille.. những người bạn mà cùng ông sáng lập ra trường phái ấn tượng sau này. 

Chúng ta hãy lướt qua một chút về bối cảnh lịch sử xã hội nước Pháp lúc bấy giờ, vì dù gì đi nữa đó cũng chính là cái nền làm cho luồng nghệ thuật mới khởi phát và thăng hoa

Nước Pháp thế kỷ 19

Vào thập niên 1800, dưới thời hoàng đế Napoleon III,  Paris vẫn còn là một thành phố trung cổ với những con đường quanh co, nhỏ hẹp, thiếu vệ sinh và thiếu ánh sáng.

Paris chuyển mình

Có lẽ bộ mặt hiện đại chủ yếu của nước Pháp vào cuối TK 19 là chính là thành phố Paris, được cải tạo giữa năm 1853 và 1870 dưới thời hoàng đế Napoleon đệ tam. Quận trưởng Baron Haussmann lên kế hoạch phá các tòa nhà cổ để có nhiều không gian cho thành phố sạch sẽ và an toàn hơn. Cuộc chiến tranh Pháp Phổ năm 1870-71 cũng góp phần không nhỏ cho diện mạo mới của thành phố này, mà trong đó các phần Paris bị phá hủy được yêu cầu xây dựng lại theo hướng thiết kế hiện đại. Thành phố được trang trí theo phong cách mới từ những họa sĩ ấn tượng như Pissarro và Gustave Caillebotte. Dân số Paris bùng nổ sau chiến tranh làm cuộc sống đô thị sôi động, sự pha trộn các tầng lớp xã hội ở các nơi công cộng xảy ra. Đường phố Paris không còn các tòa nhà cũ kỹ mà thay vào đó là các đại lộ dài, với hàng dãy tiệm caphe, nhà hàng, nhà hát, và các khu giải trí.

Nghệ thuật hàn lâm lên ngôi

Thời kỳ này, Châu âu, đặc biệt là nước Pháp, trở thành trung tâm hội họa của thế giới. Đây là thời kỳ hưng thịnh của nền nghệ thuật hàn lâm (Academic art), trường phái tân cổ điển (Neoclassical art) và chủ nghĩa lãng mạn (Romanticism). Đặc điểm của các tranh nghệ thuật hàn lâm thường có nền tối chỉ ửng sáng ở những mảng cần nhấn. Nét cọ được che dấu, tán mịn trau chuốt. Chủ đề thường là tranh cung đình, tôn giáo, chân dung hay thần thoại Hy lạp, La Mã...

Napoleon III receiving a delegation from the King of Siam in the ballroom, 1864,  Jean-Leon Gerome

 

"the birth of venus", 1863, Alexandre Cabanel

 

Romans in the Decadence of the Empire, 1847, Thomas Couture

Nghệ thuật Hàn Lâm mang màu sắc quý tộc của tầng lớp Bá tước, tử tước lúc bấy giờ

 

Kinh tế phát triển, xã hội, văn hóa thế kỷ 19 đem đến một kết quả là giải phóng những nghệ sĩ để từ nay họ không còn phải phục vụ một ông hoàng, bà chúa nào cả. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc họa sĩ phải tự nuôi sống mình và tự tìm lấy nơi triễn lãm tác phẩm. Các họa sĩ phải biết cách thương lượng với các nhà buôn nghệ thuật và những nhà hàng tranh để có kinh phí.

Salon de Paris và Salon des Refusées

Salon de Paris, là tên của một cuộc triển lãm hàng năm do Học viện Mỹ thuật, trụ cột của nền nghệ thuật Pháp, tổ chức. Đây là nơi tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm mà đặc biệt ở các thể loại thần thoại hay các tác phẩm phục vụ cho đế chế Pháp Louis Napoleon. Ban hội thẩm học viện đề ra các tiêu chuẩn kiểm soát các tác phẩm tham gia triển lãm để bảo vệ nền nghệ thuật chính thống. Bất kỳ tác phẩm nào thách thức những tiêu chuẩn này sẽ không được tham gia.

Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia ở Paris (Ảnh từ The London Salon)

Điều đáng buồn là Salon là cơ hội duy nhất để các họa sĩ bán tác phẩm và tìm việc làm. Với tư tưởng bảo thủ và sự kiểm soát khắc khe của ban hội thẩm, rất nhiều tác phẩm đã bị loại.

Lời ca thán của những họa sĩ kém may mắn vang vọng đến triều đình, khiến hoàng đế Pháp phải tổ chức thêm một cuộc triển lãm vào năm 1863 dành cho các tác phẩm bị loại từ các lần xét duyệt chính thức có tên là Salon des Refusées. Và thật bất ngờ, cuộc triển lãm này lại thu hút sự chú ý nhiều hơn cuộc triển lãm chính thức trước đó và cung cấp nền tảng lý tưởng cho việc thể hiện nghệ thuật ấn tượng đến với công chúng. Đáng tiếc là sau đó, Salon des Refusées đã không trở thành một sự kiện thường xuyên cho mọi thế hệ họa sĩ trẻ có cơ hội triển lãm các tác phẩm mới của mình.

Monet và Manet

 

Năm 1862 - buổi đầu định hình phong cách

Ngoài nhóm bạn trẻ trong xưởng vẽ của họa sĩ Charles Gleyre, có một họa sĩ mà Monet chưa từng gặp mặt nhưng tác phẩm của họa sĩ này, theo lời ông kể, "one world ended and another began" (cảm giác như thế giới chết đi và một thế giới khác bắt đầu) - đó là họa sĩ Edouard Manet. Họa sĩ này là một trong những người đầu tiên thử vẽ ngoài trời theo chủ đề hiện đại mà Monet và các bạn ông đang theo đuổi.

La dejeuner sur iherbe, 1863, Edouard Manet

 

Tiếng đồn về bức tranh vẽ một người hầu nữ khỏa thân ngồi cùng với 2 người đàn ông trang phục lịch thiệp giữa rừng đã lôi kéo Monet và nhóm bạn đến với Salon des Refusées, và ở đó họ đối diện với một bức tranh xuất sắc vượt ra khỏi mọi khuôn khổ của một tác phẩm thông thường vào thời đó. 

  • Một bức tranh lôi người xem ra mảng trời thiên nhiên ngập đầy ánh sáng.
  • Đường cọ thô không dấu kín, tán mịn mà được trông thấy một cách dễ dàng.
  • Người phụ nữ trong tranh thật khác lạ, không phải trần truồng mà là khỏa thân. Cô ta hướng ánh mắt nhìn thẳng về phía người xem từ giữa tranh mà không chút ngại ngần.
  • Mảng da trần sáng của cô gái đặt cạnh mảng tối trang phục 2 người đàn ông tạo nên một sự tương phản dữ dội.
  • Thể hiện khung cảnh sinh hoạt bình thường trong xã hội hiện đại, người xem có thể dễ dàng nhận ra buổi ăn trưa của họ là gì.

Monet và các bạn chợt nhận ra bức tranh của Edouard Manet đang vẽ về thế giới mà họ đang hướng tới, dù cảm giác là nó vẫn chưa hoàn thiện, một tác phẩm mà theo lời ông mô tả "... không có các lâu đài Hy Lạp - La Mã cổ đại hay núi Olympia Rome, nhưng nó là Paris". Tất nhiên tác phẩm của Manet bị Ban hội thẩm Salon de Paris loại bỏ thẳng thừng với lý do cho là tác phẩm hiện thân của thể loại hội họa thoái hóa, suy đồi.

Một cách đơn giản nhất, chúng ta có thể nhận ra ở đây có sự va đập của 2 luồng tư tưởng

  • Một bên đòi hỏi tranh phải có ý nghĩa, có chủ đề, còn bên kia tranh đơn giản là cảnh đẹp với màu sắc và chan hòa ánh sáng tự nhiên.
  • Một bên là dòng tranh thần thoại, thoát thực, trang trọng, kiểu cách còn bên kia là cảnh sinh hoạt trong cuộc sống đời thường tự do đương đại.
  • Một bên là ánh sáng lù mù trên gam màu tối khung cảnh trong nhà, còn bên kia là không khí ngoài trời ngập đầy ánh sáng...

Nhưng vậy nghệ thuật hàn lâm đến thời điểm này vẫn còn ngập trong mơ tưởng, tách rời cuộc sống, không phản ánh xã hội hiện tại... Nhưng nó vẫn tồn tại và ngự trị là nhờ vào sự hậu thuẫn của các tầng lớp quyền thế với tư tưởng phong kiến bảo thủ. Edouard Manet là sự khởi đầu cho những lý thuyết về màu sắc, ánh sáng và có một phần về sự chuyển động và đó là tất cả mà các họa sĩ Ấn tượng đang hướng tới.

Phần kết quả mà Manet đạt được trong họa phẩm thuộc thời kỳ đầu của ông. Nó khiến các họa sĩ quan tâm hơn đến cái mặt nền phẳng mà họ sáng tác trên đó. Điều này trở thành cực kỳ quan trọng về sau khi họa sĩ sử dụng bút cứng, bàn chải và tạo ra những vết cào, rạch, và những dấu vết khác mang lại cho người xem những trải nghiệm về cảm xúc của người họa sĩ khi sáng tác. Đó là bước khởi đầu loại hình có tính vật lý trong hội họa để cuối cùng trở thành đề tài ý nghĩa trong hội họa Trừu tượng.

(còn tiếp..)

Claude Monet và trường phái ấn tượng
phần 1phần 2 - phần 3

Tham khảo từ: https://www.britannica.com/biography/Claude-Monet https://www.cuchicago.edu/experience/arts/visual-arts/art-lessons/ http://www.metmuseum.org/toah/hd/imml/hd_imml.htm https://www.britannica.com/biography/Claude-Monet https://thanhhaphung.wordpress.com/2012/07/25/tac-pham-va-nghe-sy-3-monet-va-truong-phai-an-tuong/ http://designs.vn/tin-tuc/trao-luu-hoi-hoa-an-tuong-la-gi-_15367.html#.V4cLUFec-ku http://www.reds.vn/index.php/nghe-thuat/my-thuat/2982-claude-monet-hoi-hoa-an-tuong http://tintuc.vn/kham-pha/co-the-ban-muon-biet-cuoc-doi-danh-hoa-ky-2-claude-monet-42375 http://www.biography.com/people/claude-monet-9411771#early-life-and-career http://chimvie3.free.fr/50/vyen084_HoaSungClaudeMonet.htm http://review.siu.edu.vn/my-thuat-kien-truc/truong-phai-an-tuong/333/1696 http://text.123doc.org/document/3331244-trinh-bay-ve-truong-phai-hoi-hoa-an-tuong-hau-an-tuong.htm http://hoctiengphap.vn/v236/bai-7.html

No comments

Leave your comment

In reply to Some User