Trường phái Ấn tượng (Impressionism 1874- 1886) hình thành ở Pháp vào nửa sau thế kỷ 19.

Trào lưu này cũng đã lan sang nhiều nước trên thế giới và thành công rực rỡ vào cuối TK 19 đầu TK 20, đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội họa và trở thành một trường phái dẫn đầu cho hàng loạt trường phái nghệ thuật hiện đại sau này.

Nước Pháp thế kỷ 19 và khuynh hướng hiện đại hóa

Cuối thế kỷ 19 dưới thời hoàng đế Napoleon III, các phần bị phá hủy ở Paris trong cuộc chiến tranh Pháp -Phổ (1870-1871) được xây cất lại theo hướng hiện đại. Các tòa nhà củ được phá bỏ để mở rộng không gian để tạo nên một thành phố sạch sẽ và an toàn hơn. Đường phố được các họa sĩ ấn tượng trang trí với màu sắc tươi mới, sinh động.

Haussmann's_Great_Boulevards, 1893, Camille Pissarro
Cảnh đại lộ Haussmann được họa sĩ Camille Pissarro vẽ năm 1893

Sinh hoạt văn hóa phát triển, Paris được mệnh danh là Kinh Đô của Nghệ Thuật. Thành phố này có 50 cây số đại lộ mới, với các quán cà phê hạng sang, các khách sạn, các phòng hòa nhạc phục vụ cho mọi loại khách hàng. Các tòa nhà to lớn được xây cất, kể cả các nhà ga danh tiếng như Gare de Lyon, Gare Saint Lazare, giáo đường Sacré Coeur với mái vòm đồ sộ, nhô lên một cách hùng vĩ tại các khu Batignolles và Montmartre...

Thành phố Paris xuất hiện các cửa hàng bách hóa bình dân như Bon Marché, có các bà nội trợ quần áo sặc sỡ thuộc các tầng lớp lao động lui tới mua sắm. Nhiều trường dạy vẽ được mở ra, mỹ thuật được chú trọng, nâng cao..  

Tuy nhiên ở thế kỷ 19 nền nghệ thuật Pháp vẫn còn ở đỉnh cao của trường phái Tân Cổ Điển với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các tầng lớp quý tộc hoàng gia.

Đôi nét về nghệ thuật Pháp thế kỷ 19

Cuối TK 18, nghệ thuật Hàn lâm (Academic Art) Pháp phát triển theo 3 khuynh hướng nghệ thuật cơ bản: Chủ nghĩa Tân Cổ Điển và chủ nghĩa Lãng Mạn và chủ nghĩa Hiện Thực, trong đó chủ nghĩa Tân Cổ Điển là khuynh hướng dẫn đầu trong nghệ thuật tạo hình châu Âu.

Trường phái Tân Cổ Điển (Neoclassicism) lấy cảm hứng từ nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại như trường phái cổ điển (Classicism) ra đời từ thời kỳ Phục Hưng ở thế kỷ 15.

  • Tranh vẽ được diễn tả y như thật (ngôn ngữ tả thực), nét cọ được trau chuốt, tỉ mỉ, tán mịn hòa lẫn với nền, gam màu đậm tối. Họa sĩ điều khiển ánh sáng trong tranh để thu hút thị giác người xem.
  • Chủ đề tranh thường là cảnh trích đoạn kinh thánh, thần thoại Hy Lạp, La Mã cổ đại hay chân dung các tầng lớp quý tộc, hoàng gia.
  • Tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể con người, thể hiện nhiều ở các dáng mẫu khỏa thân tác phẫm hội họa, điêu khắc.
Bacchante, 1899, William Bouguereau.jpg

Trường phái Lãng Mạn (Romanticism) Họa sĩ nhấn mạnh cảm xúc cá nhân lên trên các quy tắc chính thức cổ điển, rời bỏ dần tinh thần Hy Lạp, La Mã cổ xưa, lấy nguồn cảm hứng từ các cuốn tiểu thuyết đương thời, những trường đoạn trung cổ kịch tính làm đề tài sáng tác. Hình họa linh hoạt, màu sắc tươi sáng hơn.

The sonnet, 1839, William Mulready, Romanticism
Salon de Paris

Nhắc đến nghệ thuật Pháp thế kỷ 19 là phải nói đến Salon de Paris, đây là một cuộc triễn lãm nghệ thuật duy nhất trong năm của Học Viện Mỹ Thuật Hoàng Gia, là nơi tập trung các tinh túy của nền nghệ thuật nước Pháp thế kỷ 19.

Ban hội thẫm, mà đứng đầu là Marquis de Chenevier, tự áp đặt các tiêu chuẩn lên các tác phẩm tham gia triễn lãm nhằm bảo vệ nghệ thuật Hàn lâm. Những tác phẩm không theo các quy tắc chính thống đều bị loại khỏi cuộc triễn lãm.

Salon de Paris

Trong các giai đoạn lịch sử trước, đã nhiều họa phẩm nghệ thuật mang tính ấn tượng đã xuất hiện. Nhưng phải đến giữa thế kỷ 19, trường phái này mới chính thức ra mắt bởi một nhóm các họa sĩ trẻ người Pháp. Đến cuối thế kỷ 19, trường phái hội họa Ấn Tượng đã phát triển rực rỡ và ảnh hưởng lan khắp các nước phương Tây.

Trường phái Ấn Tượng - những kẻ nổi loạn

Ánh hào quang thời kỳ Phục Hưng với trường phái Cổ Điển rực rỡ như một chân lý vững chắc trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc Châu âu qua nhiều thế kỷ khiến cho giới nghệ thuật quên đi bẵng đi cái đẹp còn hiện diện trong nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác.

Khoảng năm 1862, những họa sĩ trẻ cho rằng các quy tắc giảng dạy theo nghê thuật Hàn lâm ở trường Mỹ thuật quá cứng nhắc. Họ kết hợp lại với nhau ở Paris cùng với Claude Monet khám phá những kỹ thuật vẽ mới theo con đường mà các họa sĩ Eugène Boudin và Johan Barthold Jongkind vạch ra trong những năm 1850-1860. Bằng cách tránh xưởng vẽ và những giá trị giả tạo của nó, họ vẽ tranh ngoài trời, theo mẫu sống, và tìm cách nắm bắt những biểu hiện thoáng qua của bầu khí quyển, nhấn mạnh đến sự chuyển động của ánh sáng trong tranh nhằm ghi lại chính xác tổng quan khung cảnh thông qua cái nhìn tươi mới về cảnh vật tự nhiên.

*avant-garde painting: Một phong cách, trào lưu hội họa đi trước thời đại

Kỹ thuật và đề tài trường phái ấn tượng

Nếu nói các họa sĩ ấn tượng là những người đi vẽ ánh sáng cũng không sai, họ là những người giải phóng mình ra khỏi khung cảnh lù mù giả tạo trong xưởng vẽ, mang giá vẽ ra ngoài thiên nhiên nghiên cứu ánh sáng, không khí cảnh vật, nắm bắt các khoảng khắc để thể hiện trong tranh.

1. Vẽ ngoài trời, nghiên cứu ánh sáng tự nhiên

Trường phái Ấn Tượng là một bước tiến quan trọng của hội họa trong việc đi sâu nghiên cứu không khí, ánh sáng và màu sắc thiên nhiên. Hầu hết các họa sĩ nghệ thuật Hàn lâm vẽ tranh trong xưởng vẽ, thể hiện trong tranh ánh sáng của xưởng họa cho dù chủ đề trên tranh là sự việc xảy ra ngoài trời. Tuy nhiên màu sắc cảnh vật thiên nhiên luôn thay đổi từng giờ, từng ngày và từng mùa trong năm, và như thế việc vẽ phong cảnh trong nhà qua tưởng tượng, hồi ức là không chính xác.

Claude Monet Painting by the Edge of a Wood, 1885, John Singer Sargent

Bằng cách mang giá vẽ ra ngoài trời vẽ theo mẫu sống, và tìm cách nắm bắt những biểu hiện thoáng qua của không khí, người họa sĩ ấn tượng thu nhận những cảm giác thị giác từ phong cảnh, vẽ ánh sáng và những tác động của nó, đem lại màu sắc thực vào trong tranh.

2.  Kỹ thuật vẽ nhanh với nét cọ ngắn

Màu sắc cảnh vật thay đổi rất nhanh theo thời gian. Ví dụ như màu xanh của cây lá buổi sáng sẽ khác với buổi trưa, và càng khác biệt nếu so với buổi chiều.. Để vẽ thật nhanh để nắm bắt màu sắc và ánh sáng của khung cảnh kịp thời và chính xác, các họa sĩ ấn tượng sử dụng các nét vẽ thô ngắn, đường quệt màu đa dạng, cố gắng thể hiện bản chất sự vật nhưng không đi sâu nhiều đến chi tiết. Họ cũng thích sử dụng lối bố cục tức thời không theo quy luật, vẽ nhanh theo quan sát trong ánh sáng tự nhiên, khác với cách vẽ trong phòng từ các bản phác thảo trước đây. Các nhà phê bình nghệ thuật vì thế cho rằng kết quả của cách vẽ nhanh và tức thời là các bức vẽ chưa hoàn tất, có tính cẩu thả hơn là một họa phẩm thật sự.

Về mặt bút pháp, có thể thấy là với hội họa Ấn Tượng, cách tạo hình hoàn chỉnh trọn vẹn trước kia đã dần dần bị phá vỡ. Những nét cọ tách bạch, dứt khoát và những vệt màu ngày càng rút ngắn, thay thế cho các mặt sơn di nhẵn hay cách vờn khối quen thuộc. Dần dà trong tranh, nét màu chuyển hẳn thành những vệt ngắn hay lốm đốm, lấm tấm nhỏ. Các họa sĩ muốn đoạt tuyệt với những nguyên tắc Hàn lâm, Cổ điển, với những quy tắc, quy phạm khe khắc để chuẩn bị cho đường hướng nghệ thuật trừu tượng của các thập niên về sau.

3. Nguyên lý màu sắc và sự ra đời của các tuyp màu sơn pha sẵn 

Điểm độc đáo của họa sĩ Ấn Tượng là đi sâu nghiên cứu cái nhấp nhoáng của ánh sáng, không khí thiên nhiên theo quy luật tương phản màu sắc của nhà khoa học người Pháp là Michel Eugène Chevreul (1786-1889)

Graystaks, Claude Monet
  • Hạn chế sử dụng màu đen hoặc nâu để tô phần bóng của đối tượng, thay vào đó họ sử dụng màu tương phản của chính nó làm tranh có bảng màu phong phú và sinh động hơn. Đôi khi họa sĩ ấn tượng mạnh dạn sử dụng màu xanh da trời lên phần bóng đổ của đối tượng để thể hiện màu của bầu trời phản ánh lên bề mặt tối, tạo cảm giác tươi mát mà hội họa trước đây chưa từng có. (Đặc biệt là mảng bóng đổ của cây lá trên mặt tuyết)
  • Không pha trộn màu sắc trên palette mà đặt chúng đặt cạnh nhau để chúng tự pha trong nhãn cầu người xem khi nhìn ngắm tranh ở một khoảng cách nào đó, điều này tạo nên độ rung màu làm tranh sống động hơn. Đây cũng là nguyên lý điểm màu được áp dụng trên các màn hình điện tử hiện đại sau này.
  • Từ chối áp dụng phương pháp vẽ cổ điển vốn coi trọng hiệu ứng tông sáng - tối, tranh ấn tượng thường có màu tươi sáng với ánh sáng tràn ngập khắp trong tranh.

Giai đoạn này kỹ thuật Hóa học phát triển tạo ra các ống màu pha sẵn, giúp họa sĩ ấn tượng bớt thao tác trộn màu để vẽ nhanh hơn. Các họa sĩ trước đó phải tự làm sơn riêng cho mình bằng cách nghiền bột màu khô với dầu lanh (linseed oil) rồi bảo quản chúng trong túi ruột động vật. Người vẽ không chỉ dành thời gian cho chuyện sáng tác nghệ thuật mà còn phải tìm cách pha trộn ra sắc màu đẹp, độc đáo cho các tác phẩm của riêng mình. Việc thương mại hóa sơn dầu ở thế kỷ 19, làm xuất hiện nhiều chất màu tổng hợp sinh động như xanh coban, xanh ultramarine, xanh cerulean, Viridaian, vàng Cadmium,.. được pha sẵn dưới dạng các ống kem đã góp phần tạo nên màu sắc tươi sáng, trong trẻo hơn trong tranh Ấn Tượng so với các trường phái trước đây.

4. Sự ra đời của nhiếp ảnh và bố cục tranh ấn tượng

Thời điểm này, nhiếp ảnh đang trong giai đoạn đầu phát triển. Vì thường có sự khác biệt giữa những gì nhiếp ảnh gia nhìn thấy trong ống ngắm máy ảnh và những gì thực sự xuất hiện trên phim âm bản, mà các nhiếp ảnh gia sẽ cắt xén hình ảnh để cải thiện bố cục. Điều này dẫn đến một số cách sắp xếp không bình thường, nhấn mạnh hình dáng ở rìa của bức ảnh. Một số nhà ấn tượng, như Degas trong tác phẩm Dancers (Vũ công) đã chấp nhận các tác động không đối xứng của việc cắt xén và biến nó thành một đặc điểm nổi bật trong tranh của riêng mình.

Dancers, 1899, Edgar Degas

Một tác phẩm hội họa mà đối tượng bị cắt phạm bên mép tranh bị coi là tác phẩm lỗi trong bố cục nghệ thuật Hàn lâm, nhưng trong tranh ấn tượng lại tạo ra được cảm giác đột ngột của các chủ thể đang chuyển động, như đang di chuyển vào bên trong khung hình.

2. Chủ đề hiện đại

Vào những ngày đầu xuất hiện, tranh ấn tượng gây không ít bối rối cho người xem, đặc biệt là người Pháp, vốn đã bị nghệ thuật cổ điển in sâu trong tiềm thức. Hàng loạt câu hỏi như "Tranh này vẽ về cái gì? đâu là chủ đề của tranh?" và câu trả lời của các họa sĩ Ấn Tượng luôn luôn là

 

"Chúng tôi vẽ nước, ánh sáng và màu sắc". 

 

Thường thì các họa sĩ vẫn tin rằng, chính chủ đề làm nên tính độc đáo cho bức tranh. Đối với Monet, không khí và ánh sáng bao quanh quan trọng hơn chính bản thân đối tượng, thành công bức tranh tùy thuộc vào kinh nghiệm xử lý của họa sĩ trước hiệu quả nhất thời của ánh sáng. Ông thích mô tả sự vật trong những điều kiện thời tiết đặc biệt như bức tranh london chìm ngập trong sương mù màu đỏ.

Và như thế, hình ảnh trong tranh Ấn Tượng thường là cảm xúc từ những gì xảy ra trong cuộc sống hiện đại chứ không phải là đối tượng lịch sử, lãng mạn, huyền ảo giả tạo trong nghệ thuật Hàm lâm. Chủ đề thường hướng về thiên nhiên, các phong cảnh ngoại ô, miền quê dưới ánh sáng mặt trời, các đề tài thời kỳ phát triển kỹ nghệ như các nhà ga, đường xe lửa, các cây cầu sắt, các con sông đào và những sà lan, các nhà máy với những ống khói phóng khói đen lên bầu trời… Họ cũng mô tả sinh hoạt của thành phố Paris với các đại lộ và khu giải trí, khu ngoại ô tràn ngập dân du lịch và giới kỹ nghệ với nhiều kiểu y phục sặc sỡ, các đám đông tụ họp cuối tuần ở những khu vui chơi...

The Boulevard Montmartre at Night, 1897, Camille Pissarro

Nếu như những khám phá vĩ đại thời Phục Hưng là sơn dầu, phối cảnh, giải phẫu học, thiết kế, bố cục điểm vàng.. thì ở trường phái ấn tượng là ánh sáng thiên nhiên và sự phối màu theo nguyên lý màu sắc. Hội họa cổ điển là sự thể hiện nghệ thuật của người xưa, chứ không phải là nghệ thuật của người cầm cọ đang bị giam hãm trong những giáo điều cứng nhắc thiếu sinh khí. Mục đích của trường phái Ấn Tượng là biểu hiện nghệ thuật tự do, trả nghệ thuật trở về với vũ điệu thiên nhiên phóng khoáng của thế giới hiện tại, nên rất sinh động, tươi mới..

 

Các họa sĩ trường phái ấn tượng

 

Có nhiều họa sĩ tham gia vào buổi triển lãm đầu tiên các bức tranh ấn tượng vào năm 1874, như

  • Claude Monet (1840 - 1926)
  • Pierre Auguste Renoir (1841 - 1919)
  • Camille Pissarro (1831 - 1903)
  • Edgar Degas (1834 - 1917)
  • Alfred Sisley (1839 - 1899)
  • Henri Marie Raymond de Toulouse-Lautrec (1864 - 1901)

Đây là những nhân vật chính đã hình thành nên trụ cột cho phong trào.

Tên trường phái "Ấn tượng" bắt nguồn từ bức tranh "Impression: Sunrise - 1870" của Claude Monet. Tuy nhiên trong thời kỳ này, trường phái ấn tượng bị coi là kích động, đe dọa nghệ thuật truyền thống nên chỉ nhận được sự ủng hộ của nhóm nhỏ bạn bè trung thành, họa sĩ, nhà văn và số ít nhà buôn tranh. Tuy nhiên Paris hiện đại chính là chất xúc tác tạo nên trường phái ấn tượng, Paul Durand-Ruel, một nhà buôn tranh đã cổ vũ sự phát triển của hội họa Ấn tượng bằng việc tổ chức những cuộc triển lãm tranh khắp các nước châu Âu.

Từ năm 1900, tiếng tăm và ảnh hưởng của nhóm Ấn tượng lan truyền khắp Châu Âu và Mỹ, lôi kéo nhiều họa sĩ trẻ theo trường phái này. Tranh của các họa sĩ Ấn tượng như Monet, Renoir, Degas được bán với giá rất cao.

Trường phái Hội Họa Ấn Tượng đã gây ra các tranh luận gay gắt vào cuối thế kỷ 19 nhưng đồng thời đã là một đường hướng nghệ thuật mới và đặc sắc, khiến cho mọi người phải chấp nhận cách suy luận (logic) khác thường, ẩn hiện đằng sau phong cách diễn tả sự vật. Lối vẽ rõ nét cọ của các họa sĩ ấn tượng cũng khiến cho người ngắm tranh phải chú ý tới kỹ thuật và bề mặt của họa phẩm hơn là chủ đề tranh mô tả, và theo cách này, các họa sĩ ấn tượng đã chuẩn bị cho đường hướng nghệ thuật trừu tượng của các thập niên về sau.

 

Edouard Manet
(1832-1883)
Edouard Manet (1832-1883)

Ông được xem là người tiên phong của trường phái ấn tượng với việc vẽ ngoài trời với gam màu tươi sáng, chống lại các giá trị nghệ thuật Hàn lâm như ông đã từng tuyên bố gay gắt  - Tôi vẽ những gì tôi thấy!. (ý nói các họa sĩ Hàn lâm chỉ vẽ trong... tưởng tượng)

Argentinuil, 1874, Edouard Manet

Những tác phẩm ra đời của ông gây ra những cú sốc trong giới nghệ thuật Hàn lâm và tất nhiên các tác phẩm của ông luôn bị Ban Hội Thẩm từ chối

La dejeuner sur iherbe, 1863, Edouard Manet

Năm 1863, Edovard Manet vẽ bức tranh “Bữa ăn trên cỏ” gây sóng gió lớn. Về nội dung đề tài tranh Manet không có gì lạ so với tranh của các hoạ sỹ trước đó. Sở dĩ ông bị phản đối là do cách thể hiện nghệ thuật hội hoạ của ông. Trong tranh Manet vẽ bốn nhân vật, trong đó có một cô gái khoả thân ngồi cùng hai chàng trai ăn mặc lịch sự đúng mốt thời thượng lúc đó. Chính vì vậy mà người ta dã la ó, chỉ trích như một sự “suy đồi” của nghệ thuật. Một lý do nữa là do bởi ông đã từ bỏ lối diễn tả ánh sáng dịu dàng, chuyển sắc êm ả theo kiểu cổ điển như các hoạ sỹ khác. Ở đây ông đã sử dụng tương phản mạnh giữa bóng tối và ánh sáng và cách đặt bút mạnh mẽ giàu cảm xúc.

Olympia, 1863, Edouard Manet

Vấn đề đặt ra ở đây là đã đến lúc đòi hỏi sự thay đổi trong cách nhìn về kỹ thuật vẽ tranh. Trước hết, Manet gạt bỏ lối vẽ “hoàn chỉnh” cũng như các đề tài cũ thường là tôn giáo, thần thoại, lịch sử…, lại táo bạo biểu hiện cá tính chủ quan mạnh mẽ bằng cách dùng màu tương phản, tương ứng với ánh nắng chói chan hiện thực của cuộc sống, làm người xem cảm nhận được cảm xúc mạnh mẽ qua từng nhát cọ mạnh bạo, rõ ràng.  

 

Claude Monet
(1840 - 1926)
Claude Monet (1840-1926)

Được mệnh danh là “người cha của hội họa ấn tượng”, là họa sĩ tiêu biểu và nổi tiếng số một của trường phái này với số lượng tác phẩm đồ sộ và quan điểm nghệ thuật nhất quán suốt cuộc đời mình. Ông còn được coi là ” Họa sĩ của những khoảnh khắc phù du”, “biểu tượng của màu sắc”..

Clifftop walk at pourville, 1882, Claude Monet

Tranh của ông chú ý tới thiên nhiên, coi trọng lối diễn tả ánh sáng và màu sắc, ghi lại sự tươi mới của ấn tượng ban đầu một cách trung thực tuyệt đối. Những bức tranh về khu vườn, hoa súng của ông được công chúng đặc biệt yêu thích.

Bridge over a Pond of Water Lilies, 1899, Claude Monet

 

 

Frederic Bazille
(1841 - 1870)
Frederic Bazille (1841-1870)

Là một người theo ngành Y, ông bắt đầu bị cuốn hút vào hội họa khi chuyển đến Paris vào năm 1862. Ông tham gia các lớp học vẽ trong studio Charles Gleyre và đã gặp Pierre-Auguste Renoir, Claude Monet và Alfred Sisley hình thành kỹ thuật vẽ của trường phái Ấn Tượng

The Pink Dress, 1864, Frederic Bazille

Ông được biết đến như một họa sĩ giàu có, hào phóng, luôn giúp đỡ bạn bè trong những hoàn cảnh khó khăn. Thật tiếc khi ông đã hy sinh ở tuổi 28 trong cuộc chiến tranh Pháp- Phổ vào năm 1870. Có phải người tốt thường sớm ra đi để lại cho đời bao tiếc thương, ngưỡng mộ??

Family Reunion, 1867, Frederic Bazille

 

Pierre Auguste Renoir
(1841 - 1919)
Pierre Auguste Renoir (1841-1919)

 

Các tác phẩm của Renoir tập trung vào các phụ nữ trẻ ở thành phố: trong nhà hát, trong quán cà phê, trên các con đường và công viên của Paris.

The Two Sisters, 1881, Pierre Auguste Renoir

Tranh của ông có nhiều vệt màu với nhiều sắc độ đặt cạnh nhau, màu này sẽ ảnh hưởng đến màu kia và sự pha trộn giữa chúng không thực hiện trên palette mà được thực hiện trong mắt người xem. Trên tranh không còn các mảng màu như trước nữa. Mảng nước, bờ sông, cây, thuyền được tạo bởi hàng trăm ngàn các vệt màu, nét bút ngắn, gợi cho người xem ấn tượng về thị giác và cảm xúc tràn đầy về ánh sáng, màu sắc tuyệt đẹp ở những nơi có nước, có gió, có ánh nắng, cây cỏ…

Dance at Le Moulin de la Galette, 1876, Pierre Auguste Renoir

 

Edgar Degas
(1834 - 1917)
Edgar Degas (1834-1917)

Khác với Monet, hầu như toàn bộ tranh của Degas được vẽ trong xưởng vẽ, nhưng theo cách sắp đặt các hình người và đồ vật sao cho người xem có cảm giác như họ vừa lướt qua. Degas thường thể hiện người mẫu trong tư thế bất nghi thức (như ngáp, tắm, mệt mỏi), có lúc lại tự kéo dài hay vặn vẹo thân người (vươn vai, xoay người), và thường xuyên dùng chính cạnh của tranh để cắt bớt một phần hình người, tạo cảm giác nhân vật ló ra bất thình lình.

Woman in the Bath, 1886, Edgar Degas

Đề tài ưa thích của Degas là múa ba-lê, ông cũng tìm được cảm hứng từ những khách hàng đến chơi ở các quán cà phê nổi tiếng của Paris nữa.

Ballet Rehearsal, 1873, Edgar Degas

 

 Camille Pissarro
(1831 - 1903)
Camille Pissarro (1831-1903)

Các tác phẩm ấn tượng của Pissarro, tập trung vào cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương ở Pontoise, miêu tả những thú tiêu khiển nông thôn của các du khách như chèo thuyền và tắm biển ở các khu vực này.

The Hermitage at Pontoise, 1867, Camille Pissarro

 

The Harvest, 1882, Camille Pissarro

 

Berthe Morisot
(1841–1895)
Berthe Morisot (1841–1895)

Đề tài của Berthe Morisot, nữ họa sĩ duy nhất giữ vai trò trung tâm trong nhóm, thường hướng nội, ghi lại hình ảnh gia đình cùng bạn bè trong khung cảnh nhà cửa, vườn tược.

The Cradle, 1872, Berthe Morisot

 

Woman Hanging Out the Wash, 1881, Berthe Morisot

 

Alfred Sisley
(1839 - 1899)
Alfred Sisley (1839-1899)

 Cùng học trong xưởng vẽ họa sĩ Charles Gleyre với Frédéric Bazille, Claude Monet và Pierre-Auguste Renoir, họa sĩ Alfred Sisley tham gia vẽ tranh ngoài trời theo kỹ thuật mới của trường phái ấn tượng

Meadow, 1862, Alfred Sisley

Các tác phẩm của ông luôn có phần không gian và bầu trời nổi bật gây nhiều ấn tượng. Ông tập trung vào mảng đề tài khung cảnh và là người nhất quán nhất trong các họa sỹ theo trường phái ấn tượng sau này

Flood at Port-Marly, 1876, Alfred Sisley

 

Henri de Toulouse-Lautrec
(1864 - 1901)
Henri De Toulouse Lautrec (1864-1901)

 Henri de Toulouse là họa sĩ thuộc trường phái Hậu Ấn Tượng (cùng với Van Gogh). Ông là con của một gia đình quý tộc. Cha mẹ ông có hôn nhân cận huyết nên ông chịu chứng rối loạn gen, ảnh hưởng tới ngoại hình: phần thân trên phát triển bình thường, còn đôi chân vẫn mãi là chân của đứa trẻ. Ông luôn sống trong sự trêu chọc của người đời lúc bấy giờ.

Woman at Her Toil, 1896, Toulouse Lautrec

 Vì không thể tham gia vào các hoạt động cần thể chất khỏe mạnh, Henri chìm đắm vào thế giới nghệ thuật trong phần lớn cuộc đời mình.

The kiss in bed, 1864, Toulouse Lautrec

Ấn Tượng đã gây được các ảnh hưởng sâu rộng tại Châu âu, giải phóng Nghệ Thuật khỏi các giáo điều cổ điển. Có thể nói, Trường phái Ấn Tượng là một bước đột phá quan trọng của hội họa thế giới trong việc đi sâu nghiên cứu màu sắc, ánh sáng và không khí ngoài trời.

Đối với các họa sĩ ấn tượng, điều quan trọng không phải là vẽ về cái gì mà đặc biệt chú trọng vào cách dùng sắc màu để diễn tả gam màu thiên nhiên, những không gian lung linh biến ảo từng phút từng giây, thoáng hiện thoáng mất, được các nghệ sĩ tức thời nắm bắt, khai thác và vội vàng ghi lại cảm xúc của mình. Đây là nguyên nhân vì sao trường phái Ấn Tượng lại có nhiều bút pháp khác nhau, nhưng vẫn hướng về một mục đích, đó là diễn tả thiên nhiên một cách chân thật giàu cảm xúc, bớt sự lý tưởng hoá của nghệ thuật Hàn lâm, chỉ có ánh nắng long lanh mới chính là linh hồn thực sự trong tác phẩm của người họa sĩ.

-- HẾT --

(Viết xong ngày 1/8/2016)

Claude Monet và trường phái ấn tượng
phần 1phần 2 - phần 3

Tham khảo từ: https://www.britannica.com/biography/Claude-Monet http://www.metmuseum.org/toah/hd/imml/hd_imml.htm https://thanhhaphung.wordpress.com/2012/07/25/tac-pham-va-nghe-sy-3-monet-va-truong-phai-an-tuong/ http://designs.vn/tin-tuc/trao-luu-hoi-hoa-an-tuong-la-gi-_15367.html#.V4cLUFec-ku http://www.reds.vn/index.php/nghe-thuat/my-thuat/2982-claude-monet-hoi-hoa-an-tuong http://tintuc.vn/kham-pha/co-the-ban-muon-biet-cuoc-doi-danh-hoa-ky-2-claude-monet-42375 http://www.biography.com/people/claude-monet-9411771#early-life-and-career http://chimvie3.free.fr/50/vyen084_HoaSungClaudeMonet.htm http://review.siu.edu.vn/my-thuat-kien-truc/truong-phai-an-tuong/333/1696 http://text.123doc.org/document/3331244-trinh-bay-ve-truong-phai-hoi-hoa-an-tuong-hau-an-tuong.htm http://hoctiengphap.vn/v236/bai-7.html http://www.artyfactory.com/art_appreciation/landscapes/claude_monet.htm http://www.bestofpainting.com/claude_monet#filter=*&sort=default http://vietbao.vn/Van-hoa/Impressionism-Truong-phai-an-tuong/45144685/185/ http://chimvie3.free.fr/43/nbhngn052_impressionisme.htm http://mithuatvacuocsong.blogspot.com/2012/05/hoi-hoa-tuong.html https://en.wikipedia.org/wiki/Impressionism http://www.webexhibits.org/colorart/page18.html

No comments

Leave your comment

In reply to Some User