(tiếp theo) Đằng sau ánh hào quang của một tài năng là những năm tháng dài kiên trì phấn đấu...

Tương lai mà gia đình đã thu xếp cho các họa sĩ trẻ là Bazille sẽ học ngành y để trở thành bác sĩ, Renoir sẽ trở thành thợ may và Monet sẽ là người bán tạp hóa để kế nghiệp công việc kinh doanh gia đình.. Nhưng giờ đây tất cả bọn họ đang say sưa với từng đường cọ đầy màu sắc trên bảng vẽ.

Monet và nhóm bạn vẽ của ông không thích hội họa Hàn lâm, họ muốn thể hiện nghệ thuật theo một cách khác, nó không đóng khung trong các xưởng vẽ mà đi sâu vào nghiên cứu màu sắc, ánh sáng và không khí của những bức vẽ phong cảnh ngoài trời. Sau một lần phản ứng với lối dạy áp đặt của họa sĩ Charles Gleyre (mà thời đó trường vẽ nào cũng thế), Monet nói với 2 người bạn của mình:

"If we can't paint what we were born to paint, we might as well be doctors and tailors."
Nếu không thể vẽ theo cách chúng ta vốn được sinh ra để vẽ về nó, thì chúng ta nên trở thành bác sĩ hay thợ may như theo ý muốn của gia đình thì hơn

Màu sắc mới, khung cảnh mới

Năm 22 tuổi (1865), không bằng lòng với lối vẽ cũ kỹ rập khuôn trong lớp, Monet, Renoir và Bazille rời xưởng vẽ đến rừng Fontainebleau, thử nghiệm các hướng mới của nghệ thuật hàn lâm. Vẫn theo hướng tả thực nhưng vẽ trong môi trường ngoài trời với nét vẽ nhanh, tạo hiệu ứng dạt dào, thể hiện ánh sáng và màu sắc chính xác hơn

  • Thể hiện hiệu ứng ánh sáng chiếu xuyên qua tán lá in xuống mặt đất
  • Tả phần óng ánh của bề mặt hướng lên bầu trời của lá
  • Những mảng bóng đổ không màu...
The Pave de Chailly, 1865, Claude Monet

Trước đó hầu như chưa một họa sĩ nào từng hoàn tất 1 tác phẩm ngoài trời và điều đó thường khiến cho thời gian hoàn thành 1 tác phẩm rất lâu (kéo dài có khi đến 2 năm).

Foret de fontainebleau, 1865, Frederic Bazille
Dans la Forêt de Fontainebleau, 1865, Pierre-Auguste Renoir

Năm 1866, ông vẽ bức tranh “The Woman in the Green Dress” và gởi đi triển lãm cùng với bức “Forest of Fontainebleau”, cả hai bức tranh điều được Salon chấp nhận. “The Woman in the Green Dress” của Monet cho thấy một phong cách mới xuất hiện. Vẫn sử dụng màu tối như tranh chân dung truyền thống, nhưng người phụ nữ trong tranh của ông có thế dáng và trang phục của người mẫu trong các tạp chí đương thời.

Có thể nói ông đã đưa một chút hiện đại vào nghệ thuật hàn lâm để tác phẩm có cái mới mà vẫn giữ mức độ an toàn để được Salon chấp nhận. Người làm mẫu trong tác phẩm chính là người vợ tương lai của ông sau này, Camille Doncieux. Cô là nguồn cảm hứng cho nhiều bức tranh trong suốt cuộc đời ông như Les promeneurs (Những người đi dạo), Femmes au jardin (Những phụ nữ trong vườn), La femme au lombrelle (Người đàn bà cầm dù), La Japonaise (Cô gái Phù tang),..

*Danh từ "muse" (nàng thơ) thường được sử dụng trong giới nghệ sĩ vẽ chân dung thời đó, là người mẫu tạo cảm xúc cho họa sĩ làm nên các tác phẩm trứ danh.

The Woman in the Green Dress, 1866, Claude Monet

Dù có vài tác phẩm được tham gia triển lãm với nhiều lời khen tặng, bản thân ông vẫn rất khó khăn về tài chính. Tuy nhiên nó vẫn không làm cho đường cọ của ông chạy theo xu hướng hàn lâm để tìm cơ hội bán tranh hay mong được có cơ hội triển lãm.

Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?

Cũng vào năm 1866, Monet bắt đầu thách thức nghệ thuật truyền thống bằng những tác phẩm vẽ phụ nữ trong vườn. Tranh phụ nữ trong vườn lúc này đã khá phổ biến, nhưng tranh của ông thật khác biệt: Màu sắc tươi tắn, táo bạo. Nét cọ mạnh mẽ, rõ ràng... trong khi giới thưởng ngoạn Hàn lâm chỉ thích các đường cọ hòa lẫn vào nhau. Hầu hết người xem tranh đều mong đợi một bức tranh phải có nội dung, nghĩa là nó phải nói lên được một câu chuyện nào đó, trong khi tranh của ông chỉ là hình ảnh người phụ nữ trong vườn với trang phục hiện đại ngập tràn màu sắc, ánh sáng .. điều này làm người xem bối rối hụt hẫng khi xem tranh vẫn cố tìm xem chủ đề của nó là gì. Người xem lúc này vẫn bị lôi cuốn vào câu chuyện bức tranh kể về hơn là vẻ đẹp mỹ thuật của bản thân tác phẩm hiện có.

Ladies in the Garden,1866, Claude_Monet

 

Đối với nền nghệ thuật hàn lâm Pháp lúc bấy giờ, thì kỹ thuật này bị coi là kích động và gây nhiều tranh cãi. Người ta thậm chí còn đặt ra vấn đề là lối vẽ này đe dọa các giá trị mà nền nghệ thuật truyền thống đang gìn giữ. Vì vậy rất nhiều tác phẩm hoạ sĩ trẻ sáng tạo của trường phái ấn tượng đã bị loại ra khỏi triển lãm Salon de Paris ngay từ... vòng gởi xe.

Con đường nghệ thuật nhiều chông gai

Mối tình của chàng họa sĩ trẻ Monet và cô người mẫu xinh đẹp Camille Doncieux đã không được gia đình ủng hộ, mọi khoản chu cấp sẽ không còn nếu tiếp tục mối quan hệ. Những khó khăn về tài chính cộng thêm nhiều tác phẩm không được triển lãm đã đưa cuộc sống ông vào bế tắt. Monet trở về Le Havre, lang thang vẽ tranh khuây khỏa trên bãi biển, bỏ lại người yêu ở Paris đang mang thai đứa con đầu của mình .

the beach at sainte adresse, 1867, Claude Monet

Lấy cớ mua bức tranh "Ladies in the Garden", Bazille, một người bạn thân trong nhóm, đã giúp ông một khoản tài chính để thực hiện quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời: tìm lại Camille và bớt phụ thuộc vào ý kiến của gia đình. Năm 1867, họ đã hạnh phúc sinh 1 bé trai kháu khỉnh: Jean. Tuy nhiên, đi theo tiếng gọi của trái tim là quyết định tuyệt vời nhưng cũng là điều tệ hại nhất với người họa sĩ khi còn trong giai đoạn phấn đấu: khoản trợ cấp từ gia đình không còn,  tiền bán tranh lần hồi cũng cạn. Không đủ trang trải ở Paris, ông đưa vợ con lang thang, sống vất vưởng ở các vùng ngoại ô vẽ tranh kiếm sống.

Tiền không là gì cho đến khi bạn thực sự cần đến nó

 

Cuộc sống thường không yên ả, nhưng với người nghệ sĩ thì dường như những va đập đó lớn hơn gấp nhiều lần. Năm 1868 trong tuyệt vọng, Monet đắm mình trong sông Seine tự tử, may thay ông đã được cứu sống để đời sau còn được chiêm ngưỡng hàng loạt các tuyệt tác ấn tượng sau này. Bi kịch nghệ sĩ và cuộc sống hóa ra là chuyện đã xảy ra từ lâu, muốn thỏa chí sáng tác theo cái mình thích, phải chấp nhận một cuộc sống thua kém, thiếu hụt. Có ai biết được các tác phẩm của ông sau này thuộc hàng mắc nhất thế giới, có bức đấu giá lên đến 54 triệu đô? Cuộc sống thật có khiếu hài hước !.

Sự ra đời sơn ống tuyp và kỹ thuật vẽ nhanh

Năm 1869 một bước ngoặc quan trọng trong các tác phẩm của Monet khi đi vẽ ngoài trời với Renoir ở La Grenouillère, một địa điểm giải trí gần Paris, nơi có thể bơi lội, chèo thuyền, có quán ăn trên nước,... Ở đây, với khung cảnh hoạt động náo nhiệt, cần phải vẽ những nét màu sắc nhanh chóng, rắn rỏi. Làm được như vậy cũng là nhờ kỹ thuật phát triên, cho ra đời những ống màu pha sẵn, người vẽ khỏi mất thì giờ trộn màu. Ông đã tạo ra một phong cách nghệ thuật mới mà hiệu ứng ánh sáng, màu sắc lấn áp cả chủ đề trong tranh.

Bathers at La Grenouillere, 1869, Claude Monet
La Grenouillère, 1869, Pierre-Auguste Renoir

 

Chiến tranh Pháp - Phổ (1870-71) và những mất mát to lớn

Việc luôn bị từ chối từ Salon khiến nhiều họa sĩ trẻ lâm vào cảnh khốn cùng, họ tìm cách tổ chức các buổi triển lãm cho riêng mình: tự tìm nơi tổ chức, tự bày trí, sắp xếp tranh trưng bày theo ý mình.. ý tưởng nhen nhóm từ họa sĩ Manet, Degas và cuối cùng là Bazille. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Pháp - Phổ đã đẩy những dự tính rẽ sang một con đường khác.

Tháng 6/1870 ông cưới Camille và cả gia đình di tản sang london để tránh xa cuộc chiến. Tại đây ông đã có cơ hội gặp gỡ và làm quen với họa sĩ người Anh Turner và người Mỹ Whistler. Monet rất ấn tượng cách xử lý ánh sáng hai vị hoạ sĩ này mà bức ông yêu thích nhất là tác phẩm vẽ cảnh sương mù trên sông Thames của Turner (The Thames above Waterloo Bridge, 1830, William Turner). Sau đó, phong cách xử lý ánh sáng của Monet đã thay đổi hẳn và đây cũng chính là những tháng ngày ông tạo nên phong cách vẽ cho riêng mình.

the thames below westminster, 1871, Claude Monet

 

Ở quê nhà, chiến tranh leo thang, đẩy các họa sĩ trẻ ra chiến trường. Nước Pháp bị vây hãm, trong lửa đạn người bạn thân nhất của ông đã ra đi: Frederic Bazille, ở Burgundy tháng 11 - 1870 (nghịch lý những người tốt thường hay mất sớm!!).

Sự ra đời của tên Trường Phái Ấn Tượng

Năm 1872, trở về Pháp sau chiến tranh, Monet định cư ở Argenteuil, một thành phố công nghiệp phía tây của Paris, và bắt đầu phát triển kỹ thuật vẽ của mình. Thời gian này, Monet đã gặp lại các bạn bè họa sĩ và tiếp tục ý định tổ chức buổi triển lãm xu hướng nghệ thuật mới theo mong muốn của người bạn Frederic Bazille đã mất.

Poppy Fields near Argenteuil, 1875, Claude Monet

Năm 1874, Monet và nhóm bạn đã lập ra một câu lạc bộ được gọi là Anonymous Society dành cho các họa sĩ, nhà điêu khắc và Printmakers. Ngày 15/4/1874, một cuộc triển lãm đầu tiên được tổ chức kéo dài 1 tháng trong studio của nhiếp ảnh gia Nadar (tên thật là Félix Tournachom), là người rất yêu văn học nghệ thuật, tại số 35 đại lộ des Capucines, Paris, đúng hai tuần trước ngày khai mạc triển lãm Salon chính thức.

Cuộc triển lãm đầu tiên không chỉ bị giới mỹ thuật hàn lâm và các nhà phê bình chỉ trích mà cả công chúng Paris cũng đồng tình chống lại. Khi đã quen với nghệ thuật hàn lâm trong một thời gian dài, sự xuất hiện loạt tranh theo xu hướng mới gần như là một cú sốc với xã hội thời đó. Các chỉ trích nhằm vào kỹ thuật vẽ, các đường cọ nổi khiến bề mặt tranh trên vải trông có vẻ thô và giống như tác phẩm là chưa vẽ xong, trong khi màu sắc lại quá cường điệu và không tự nhiên. Về đề tài thể hiện cũng bị xem là vô giá trị, không chính tắc theo ngành mỹ thuật, vì quá quan tâm đến những khía cạnh phù du, phàm tục của cuộc sống hiện đại, hơn là chú trọng vào vẻ đẹp tự nhiên hay giá trị đạo đức ẩn chứa trong tranh.

Louis Leroy, một nhà báo và nhà phê bình cho tạp chí châm biếm “Le Charivari” đã viết một bài bình luận gay gắt với tựa đề The Exhibition of the Impressionists (Triển lãm ấn tượng). Từ “Ấn tượng” được dùng ở đây là một thuật ngữ chế nhạo nhằm vào bức tranh của Claude Monet – “Impression, soleil levant” (Ấn tượng mặt trời mọc). Các họa sĩ trẻ cũng bị gọi mỉa mai là những “họa sĩ ấn tượng”

impression sunrise, 1872, Claude monet

Cái tên châm biếm ấy đã được những họa sĩ trẻ chấp nhận và sử dụng trong một cuộc triển lãm năm 1877. Không ai ngờ rằng, sau này, trường phái Ấn Tượng trở thành một trong các trường phái lớn trong lịch sử mỹ thuật thế giới. Triển lãm tại Nadar trở thành triển lãm đầu tiên trong số 8 triển lãm ấn tượng từ năm 1874 đến năm 1886.

Nhìn chung bối cảnh xã hội nước Pháp trong giai đoạn này là thời kỳ kinh tế biến chuyển sau cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, đi cùng với cuộc nổi dậy của Cộng đồng Paris vào năm 1870-1871 nhanh chóng bị dập tắt. Xã hội thoáng hơn trước, tư tưởng bảo thủ bị đẩy lùi, sự cách tân được chào đón. Lúc đó, giới bình luận đã chê bai nặng nề các tác phẩm nhưng lại hoan nghênh sáng kiến về việc nhóm đã tự đứng ra tổ chức triển lãm cho riêng mình.

Tuy nhiên, do không được giới nghệ thuật Hàn lâm ủng hộ, không bán được nhiều tranh, Monet luôn sống trong thiếu thốn và thay đổi chỗ ở những nơi rẻ tiền: Argenteuil, Vétheuil, Poissy, sau cùng là Giverny. Ông đã đấu tranh để nuôi sống gia đình nhưng vẫn luôn giữ nghệ thuật của mình đi đúng hướng. Một số tài liệu ghi lại, có đôi lúc trong những cơn tuyệt vọng, ông đã phá hủy tranh của mình, ước tính khoảng 500 tác phẩm. Ngoài những cơn bộc phát, ông được biết đến đau khổ từ những cơn trầm cảm và tự ti.

Vĩnh biệt nàng thơ
Springtime, 1872, Claude Monet

 

Sau khi hạ sinh đứa con thứ hai, sức khoẻ của Camille Doncieux ngày càng trở nên tệ đi, bà mất vào mùa hè năm 1879. Monet đã vẽ cảnh Camille nằm chết trên giường - bức "Camille Monet on Her Deathbed" (1879). Monet nói: “Tôi chụp lấy khoảnh khắc bi thảm trên vầng trán của cô ấy, quan sát trình tự thay đổi của sắc thái cái chết trên gương mặt cứng đơ của vợ. Màu xanh, màu vàng, màu xám… phản xạ của tôi bắt buộc tôi phải hành động vô thức bất chấp chính bản thân tôi”.

Mặc dù không chăm chút vợ chu đáo nhưng Monet đã luôn yêu Camille. Ông cảm thấy vô cùng đau khổ sau cái chết của Camille và không còn tha thiết vẽ trong một thời gian dài sau đó.

Trở thành bậc thầy của màu sắc và ánh sáng

Claude Monet còn được coi là “Họa sĩ của những khoảnh khắc phù du”, “biểu tượng của màu sắc”. Với ông màu sắc thiên nhiên thay đổi từng giờ từng ngày và như thế nếu cứ đứng ở trong xưởng, vẽ theo trí nhớ hay tưởng tượng sẽ không chính xác. Tranh của ông tập trung diễn tả ánh sáng và màu sắc, ghi lại sự tươi mới của ấn tượng ban đầu một cách trung thực tuyệt đối. Ông thường vẽ về đống rơm, về nhà thờ, về hoa súng, thảm hoa trên cánh đồng, về cầu Waterloo và trong loạt tranh vẽ ở những khu vườn.

Nếu như trong những năm đầu, Monet thường dùng những màu sắc tối, những bóng đen thì từ năm 1860 trở đi, ông bắt đầu đem vào tranh vẽ của mình những gam màu tươi sáng, những sắc màu mới. Bằng việc cố gắng nắm bắt hiệu ứng ánh sáng và không khí trong điều kiện thời tiết cụ thể, tranh của ông có được sắc độ và màu sắc phong phú và tự nhiên hơn rất nhiều so với các kỹ thuật hội họa truyền thống trước đó.

  • Tạo độ rung màu bằng cách đặt các màu tinh khiết cạnh với nhau và để cho mắt người xem tự pha trộn. Ví dụ để có màu xanh lá cây, ông vẽ các vệt màu vàng xen kẽ với màu xanh dương thay vì phải trộn chúng trước trên palette.
  • Tránh sử dụng màu đen hoặc nâu để tô phần bóng tối của đối tượng mà sử dụng màu tương phản của chính nó theo quy luật màu quang phổ. Ví dụ trong bức "Rouen Cathedral in Full Sunlight" (nhà thờ Rouen đầy nắng), phần bóng tối được kết hợp 3 màu: vàng đặt cạnh đỏ → cam, thêm màu xanh dương để chúng tối đi.
Rouen Cathedral in the 1890's (photograph)
Thánh đường Rouen, ảnh chụp năm 1890

Monet chủ yếu quan tâm đến các tác dụng của ánh sáng trên đối tượng, nên ông thường vẽ nhiều tranh cùng một cảnh dưới điều kiện không khí và ánh sáng khác nhau. Bộ tranh thánh đường Rouen được hoàn thành vào năm 1895, một số trong 20 bức được treo cùng nhau trong buổi triển lãm tại phòng tranh Durand-Ruel năm 1985, để hiển thị màu sắc mặt tiền nhà thờ thay đổi trong ngày từ sáng đến tối.

CLAUDE MONET (1840-1926)
'Rouen Cathedral in Full Sunlight - Harmony in Blue and Gold ' 1893 (oil on canvas)
CLAUDE MONET (1840-1926)
'Rouen Cathedral in the Morning Fog' 1894 (oil on canvas)
CLAUDE MONET (1840-1926)
'Rouen Cathedral - Portal at Midday' 1894 (oil on canvas)
CLAUDE MONET (1840-1926)
'Rouen Cathedral - The Portal' 1894 (oil on canvas)
CLAUDE MONET (1840-1926)
'Rouen Cathedral in Grey Weather' 1894 (oil on canvas)

 

Ông cũng vẽ một bộ nhiều tranh về những bó cỏ khô trên đồng (Stack of Wheat - 1890-1891).

 

Trường phái Ấn tượng bên ngoài nước Pháp

Từ những năm 1880-90, xuất hiện phong trào liên lạc với các nghệ sĩ nước ngoài, mà chủ yếu là mở đường cho nghệ thuật phóng khoáng. Các khó khăn của xã hội, chính trị và kinh tế của thời đại đã biến chuyển qua một thế giới êm ả hơn. Émile Zola và nhà buôn tranh Paul Durand-Ruel ủng hộ hội họa Ấn Tượng bất chấp sự thù nghịch của các tư tưởng bảo thủ. Nhà báo và phê bình nghệ thuật Thédore Duret đã mua tranh và xuất bản quyển Lịch sử Ấn tượng vào năm 1904.

Đến cuối những năm 1890, người dân ở Hoa Kỳ đã trở nên ưu chuộng tranh Ấn Tượng của Monet. Trong khi vị thế của tranh Monet trên thị trường tranh quốc tế ngày một lên cao thì tại chính quê hương ông, giới nghiên cứu mỹ thuật nước Pháp vẫn còn thờ ơ, lạnh nhạt. 

Monet đã đạt được thành công tài chính và quan trọng trong vào cuối thập niên 1880. Những bức tranh nối tiếp của ông trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Nếu như trong những năm đầu của sự nghiệp, Monet bị chỉ trích vì ông có tư tưởng tiên phong, đi trước một số nghệ sĩ cùng thời, thì từ những năm 80 trở đi, ông được công nhận là cha đẻ của trường phái Ấn Tượng. Và đến năm 1900, ông đã tạo cho mình một vị thế vững chắc, đứng đầu trong top các họa sĩ vẽ tranh phong cảnh ngoài trời.

Vườn địa đàng cho nhà họa sĩ

Ông và các con đã chuyển nhà tới Giverny vào năm 1883, nơi ông có một khu vườn lớn. Ông trồng những cây thường mọc trong vùng như hoa súng, hoa Diên Vỹ (Iris), những loại cây sậy,... Ông rất yêu hoa. Monet từng tuyên bố, nếu ông không là họa sĩ, ông nhất định sẽ trở thành một nhà làm vườn trứ danh. Khu vườn của ông được tổ chức theo hướng vườn hoa Phù Tang, từ những nét cong đến cách sắp đặt bất đối xứng các lùm hoa cũng như các lối đi. Đặc biệt là chiếc cầu vồng Nhật Bản màu xanh lá hòa mình với những cành hoa Glycine (dây đậu tía) tim tím nổi bật trên nền xanh. 

Trước mắt một họa sĩ, vườn hoa là cả một kho nguyên liệu phong phú để ông mặc sức lựa chọn đề tài. Hoa muôn màu đủ loại khoe sắc theo mùa, khi có ánh mặt trời xuyên qua túp lá khe khẽ rung rinh trong gió, màu sắc nổi bật lấp loáng trông như những chiếc lồng đèn chập chờn trong đêm. Vườn hoa là nơi truyền cho ông những cảm xúc để vẽ nên những tác phẩm đề đời sau này như In the Garden (1895), Water Lilies (1906), The rose arches, Giverny (1913)... 

Những bức tranh về khu vườn, hoa súng của ông được công chúng đặc biệt yêu thích.

Water Lilies, 1904, Claude Monet

 

Ngoài những bức Les nymphéas blancs 1899 (Những hoa súng trắng), Nymphéas 1914, 1917 (Hoa súng),... ông đã tặng cho chính phủ Pháp 14 bức tranh Nymphéas khổng lồ được treo một năm sau khi ông mất trong hai phòng hình bầu dục ở Musée de l'Orangerie (Viện Bảo tàng Nhà trú cam) thuộc Jardin des Tuileries (Vườn Lò ngói) tại Paris. Năm 1918, ông viết cho Georges Clémenceau, bạn ông : "Tôi sắp hoàn tất hai bức trang trí mà tôi muốn ký ngày thắng trận, tôi xin kính tặng nhà nước qua trung gian của ông".

Đại danh họa Claude Monet mất ngày 5/12/1926. Thi hài ông được chôn cất tại nghĩa trang của nhà thờ Giverny. 

Trong 86 năm cuộc đời, Monet đã sáng tác 2.000 bức họa, trong đó có rất nhiều tác phẩm được thực hiện ngay trong vườn hoa nhà ông. Vài tháng sau khi Monet qua đời, Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Mỹ) đã tổ chức một cuộc triển lãm quy mô lớn thu hút sự chú ý của báo giới cũng như đông đảo người yêu nghệ thuật trên khắp toàn cầu nhằm tỏ lòng tưởng nhớ nhà họa sĩ tài ba.

The Train in the Snow, 1875, Claude Monet

 

(viết xong ngày 25/7/2016)

Claude Monet và trường phái ấn tượng
phần 1phần 2 - phần 3

Sưu tầm: https://www.britannica.com/biography/Claude-Monet http://www.metmuseum.org/toah/hd/imml/hd_imml.htm https://thanhhaphung.wordpress.com/2012/07/25/tac-pham-va-nghe-sy-3-monet-va-truong-phai-an-tuong/ http://designs.vn/tin-tuc/trao-luu-hoi-hoa-an-tuong-la-gi-_15367.html#.V4cLUFec-ku http://www.reds.vn/index.php/nghe-thuat/my-thuat/2982-claude-monet-hoi-hoa-an-tuong http://tintuc.vn/kham-pha/co-the-ban-muon-biet-cuoc-doi-danh-hoa-ky-2-claude-monet-42375 http://www.biography.com/people/claude-monet-9411771#early-life-and-career http://chimvie3.free.fr/50/vyen084_HoaSungClaudeMonet.htm http://review.siu.edu.vn/my-thuat-kien-truc/truong-phai-an-tuong/333/1696 http://text.123doc.org/document/3331244-trinh-bay-ve-truong-phai-hoi-hoa-an-tuong-hau-an-tuong.htm http://hoctiengphap.vn/v236/bai-7.html http://www.artyfactory.com/art_appreciation/landscapes/claude_monet.htm http://www.bestofpainting.com/claude_monet#filter=*&sort=default http://vietbao.vn/Van-hoa/Impressionism-Truong-phai-an-tuong/45144685/185/ http://chimvie3.free.fr/43/nbhngn052_impressionisme.htm http://mithuatvacuocsong.blogspot.com/2012/05/hoi-hoa-tuong.html

No comments

Leave your comment

In reply to Some User