Cùng với Đông Sơn và Sa Huỳnh trong giai đoạn từ 2000 năm TCN đến đầu CN, văn hoá  Đông Nam Bộ (hay còn gọi là văn hoá Đồng Nai) là 1 trong 3 trung tâm văn hoá lớn đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam sau thời kỳ đồ đá

Sự phát triển của văn hóa Đông Nam Bộ về sau hình thành nền văn hoá Óc Eo nổi tiếng ở Nam Bộ sau này. Vùng đất Nam bộ có hai tiểu vùng sinh thái tự nhiên, cũng là hai tiểu vùng văn hóa phát triển liên tục từ thời cổ đại cho đến ngày nay

  • Tiểu vùng Đông Nam bộ gồm lưu vực Đồng Nai, Sài Gòn, sông Bé, Vàm Cỏ với các dạng địa hình - hệ sinh thái đồi núi rìa cao nguyên, châu thổ cũ và khu vực rừng ngập mặn ven biển.
  • Tiểu vùng Tây Nam bộ chủ yếu là châu thổ sông Cửu Long mới và đang thành tạo, với tứ giác nước Long Xuyên - Đồng tháp mười kéo dài tới vùng ngập mặn bán đảo Cà Mau.

Sự phân chia 2 tiểu vùng này chỉ là tương đối (lấy ranh giới là Long An), trên cơ sở sự đa dạng của địa hình - sinh thái của 2 tiểu vùng.

Tiểu vùng văn hóa Đông Nam bộ

Nền văn hóa Đông Nam Bộ (văn hoá Đồng Nai) được phát hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19. Cho đến nay ngoài việc kiểm chứng lại các di tích văn hóa cổ đã được phát hiện từ trước, khảo cổ học đã tìm thêm được nhiều di tích mới như các công cụ đá ghè đẽo của con người ở thời kỳ “còn dáng vượn” ở Cẩm Tiên, Núi Đất, Dốc Mơ... hoặc ở Vườn Dũ ở thời kỳ tiếp theo.

Đoạn sông Saigon chạy ngang qua Thảo Điền

Riêng về các di tích văn hóa thuộc thời kỳ đồ đá mới và kim khí đã tìm được nhiều nhất là các di tích như Cầu Sắt, Bình Xuân, Đồi Mít, Đồi Xoài, Hưng Thịnh, Suối Chồn, Gò Me, Long Giao (Đồng Nai), Dốc Chùa, Mỹ Lộc, Bến Cát, Lộc I Ninh (Bình Dương- Bình Phước ), Bến Đò (Sài gòn), Rạch Núi, An Sơn (Long An)... cho thấy tồn tại 1 nền văn minh cổ phồn thịnh làm cho miền Đông Nam bộ trở thành một trong 3 trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên: Đông Sơn ở miền Bắc - Sa Huỳnh ở miền Trung - Đồng Nai ở miền Nam. Văn hóa Đồng Nai là bước mở đầu cho truyền thống văn hóa phát triển rực rỡ vào khoảng thời gian trước - sau Công nguyên và sẽ trở thành nguồn gốc bản địa của một văn hóa cổ ở Nam bộ là văn hóa Óc Eo từ TK I đến TK VII sau Công nguyên.

Di tích khảo cổ Thánh Địa Cát Tiên

Hàng trăm di tích văn hóa Đồng Nai phân bố trên địa bàn rộng rãi của lưu vực Đồng Nai - Sông Bé - Vàm Cỏ, suốt từ vùng đồi gò cao đến vùng đất thấp ven biển. Dựa trên môi trường phân bố có thể phân chia văn hóa Đồng Nai thành 5 tiểu vùng văn hóa - sinh thái như sau.

  1. Vùng đồi đá phiến và bazan đất đỏ (di tích hoạt động núi lửa) ở Đồng Nai như các di tích Cầu Sắt, Suối Chồn, Phú Hòa, Hàng Gòn.. Các di tích ở đây có đủ các loại hình cư trú, mộ táng, công xưởng, .. thường có tầng văn hóa dày và diện tích rộng lớn.
  2. Vùng đồi đá phiến và cao nguyên đất đỏ sông Bé như ở Lộc Ninh - Bình Long (Bình Phước) tồn tại loại hình di tích đặc biệt là các công trình đắp đất hình tròn với các hào sâu.
  3. Vùng phù sa cổ dọc theo 2 bên bờ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn như di tích Bình Đa, Gò Me, Suối Linh, Đồi Phòng không (Đồng Nai), Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Bưng Sình (Bình Dương)... tập trung dày đặc hệ thống di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng đơn ngành hay đa ngành.
  4. Vùng phù sa đất xám lưu vực sông Vàm Cỏ Đông - Tây ngày càng phát hiện được nhiều di tích quan trọng như An Sơn, Rạch Núi, Gò Ô Chùa (Long An)...với nhiều mộ táng huyệt đất di cốt còn khá nguyên vẹn.
  5. Vùng đồng bằng thành tạo chưa hoàn chỉnh ở cửa sông Đồng Nai là khu vực đầm lầy ngập mặn, rải rác trong đó có những bưng đồng nước ngọt hoặc giồng đất nhỏ còn lưu lại dấu tích cư trú, sản xuất gốm, đá, mộ táng... như các di tích Bưng Bạc, Bưng Thơm, Giồng Lớn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ-Sài gòn)...

Tại năm tiểu vùng văn hóa - sinh thái này, khảo cổ học đã phát hiện hàng ngàn di vật từ các chất liệu đá, gốm, đồng sắt, gỗ, xương, vỏ nhuyễn thể...mà người xưa đã biết cách khai thác, sử dụng nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên để chế tác các loại công cụ lao động và các vật dụng cần thiết.

Khai Quật di tích Dốc Chùa, Bắc Tân Uyên, Bình Dương

Mặc dù đã ở vào giai đoạn hậu kỳ kim khí nhưng các loại công cụ, vũ khí bằng đồng, sắt không nhiều, có lẽ do ở đây ít quặng kim loại nhưng lại khá phong phú nguồn nguyên liệu đá Bazan, đá phiến, sa thạch... rất thuận tiện cho việc chế tác công cụ, vũ khí mà phổ biến là rìu, cuốc, mai, dai hái, mũi tên, đục, bàn mài... ĐỒ ĐÁ: Chủ yếu là bằng loại đá bazan, hầu như vắng bóng công cụ bằng các loại đá ngọc. Tuy đã sử dụng thành thạo kỹ thuật mài đá nhưng dấu vết ghè đẽo để lại trên công cụ vẫn tương đối phổ biến. Kỹ thuật đánh bóng, khoan tiện đá không nhiều. Ít thấy các loại vòng trang sức bằng đá. Loại công cụ phổ biến nhất là Rìu mà đặc biệt là loại rìu có vai. Tỷ lệ giữa công cụ có vai và không vai khá cao.

Rìu có vai được tìm thấy ở di tích Đồi Phòng Không, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai

Đáng chú ý nhất là loại dao hái và dao cắt với hình dáng khá ổn định phát hiện được ở nhiều địa điểm làm nổi bật phong cách đồ đá Đông Nam Bộ. Cho đến nay chưa có nơi nào ngoài khu vực này phát hiện được loại dao hái có sống thẳng, dày, lưỡi mỏng hình vòng cung và loại dao cắt hình thang có mấu ở hai đầu sống dao.

Trong các dụng cụ bằng đá có một loại di vật độc đáo của văn hóa Đồng Nai là những thanh đàn đá được tìm thấy ngay trong di chỉ khảo cổ như ở Bình Đa, Gò Me, một số di chỉ ở Bình Phước.

Đàn Đá Lộc Hoà 26 thanh có niên đại cổ xưa trên 3000 năm được tìm thấy ở Lộc Hòa, Bình Phước

Đồ sắt: Về kỹ thuật cũng như về loại hình giống với đồ sắt trong nền văn hóa Sa Huỳnh ở giai đoạn muộn..

Các khuôn đúc tìm thấy ở khu di tích Dốc Chùa

Đồ đồng: Ở đây cũng có phong cách riêng. Rìu chủ yếu là loại rìu xòe cân đối, rìu lưỡi cong lồi nhiều, một mặt khum, một mặt hơi thăng, hoàn toàn vắng kiểu rìu lưỡi xéo Đông Sơn. Giáo ở đây thường có thân rộng hình lá. Các Qua đồng về kiểu dáng cũng rất khác với Qua Đồng phát hiện trong văn hóa Đông Sơn. Phong cách hoa văn trang trí trên một sổ đồ đồng ở đây cũng đơn giản, chủ yếu là loại văn đường chỉ nổi, vòng tròn xoáy ốc tiếp tuyến, hình tam giác hoặc những chấm nổi.

Các vũ khí và công cụ đồng tìm thấy tại khu di tích Dốc Chùa

ĐỒ GỐM: Di vật gốm xuất hiện từ rất sớm và có số lượng áp đảo so với các chất liệu khác như vò, nồi, bình, bát đĩa, lò bếp (cà ràng), bi gốm, những dụng cụ lao động như dọi se sợi, chì lưới, bàn xoa, cả khuôn đúc bằng gốm.... Căn cứ vào kiểu dáng có thể nhận thấy địa bàn chính của cư dân cổ là môi trường sông nước, thể hiện qua các kiểu đồ đựng đáy bằng, đáy tròn, và nhất là bếp lò bằng gốm (Cà Ràng) thường dùng trên ghe xuồng hay nhà sàn rất nhiều. Giai đoạn muộn của văn hóa Đồng Nai còn xuất hiện những di tích mộ táng bằng chum gốm lớn ở khu vực ven biển Cần Giờ và khu vực đồi bazan Xuân Lộc Đồng Nai.

Chum mộ gốm ở Giồng Cá Vồ

Về điêu khắc gần đây đã phát hiện được một số tượng nhỏ bằng đồng và sắt, đó là những tượng thú như tượng chó săn tại di tích Dốc Chùa (Tân Uyên - Bình Dương) dài 6,4 cm, cao 5,4 cm có lỗ để xỏ dây đeo kiểu bùa - vật trang sức cho các thủ lĩnh bộ lạc hay tôn giáo đương thời. Tượng bằng đồng thau miêu tả một con chó săn một con chồn dơi (có lẽ vậy). Đuôi con vật có kích thước khá lớn, đoạn cuối đuôi xoắn thành ba vòng tròn. Chân cao, hai chân trước nhỏ hơn hai chân sau. Bộ phận sinh dục thể hiện là giống đực. Thân con vật trang trí hoa văn các đường gấp khúc hình thang, các dấu lõm xung quanh có tia ngắn giống hình mặt trời.

Tượng thú tìm thấy ở Dốc Chùa

Đặc biệt tìm thấy tượng con tê tê vào năm 1985 ở đồi 57, xã Long Giao (Cấm Mỹ, Đồng Nai) gồm 2 con (1 đực và 1 cái), trong đó tượng tê tê cái cõng con trên lưng đã bị thất lạc. Hiện nay tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đang lưu giữ tượng con tê tê đực được đúc từ khuôn sa thạch và pha chế từ hợp kim đồng thau có niên đại cách đây khoảng từ 2500 - 3000 năm. Tượng dài 37,3 cm; cao 7,5 cm; vòng bụng (chỗ phình ra) 9,5 cm; trọng lượng 2,65 kg.

Tượng tê tê đực bằng đồng có niên đại cách đây khoảng từ 2500 - 3000 năm ở Bảo tàng Đồng Nai

Về trống đồng hiện nay đã phát hiện 7 trống (một tại Vũng Tàu, 6 cái tại Bình Dương gồm Bình Phú, Phú Chánh I, II, III, IV, V)

5 trống đồng Phú Chánh tại Bảo Tàng Bình Dương

Gần đây tại Giồng Cá Vồ - Cần Giờ (TP.HCM ) phát hiện nhiều mộ chum trong đó chứa nhiều đồ trang sức như hạt chuỗi, vòng tay, khuyên tai hai đầu thú bằng đá và thủy tinh cùng nhiều công cụ, vũ khí bằng sắt, đồng và đồ gốm.... Đặc biệt là Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh, Bình Dương được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018 (cùng với tượng thú ở Dốc Chùa ở trên).

  • Chum bằng gỗ Huỳnh Đàn cao khoảng 61 cm, đường kính miệng 46-50 cm, có nhiều đường vân gỗ tròn đồng tâm.
  • Trống đồng cao khoảng 40 cm, đường kính mặt trống 47,5 cm, đường kính chân đế 44 cm. Mặt trống đồng có tâm hình ngôi sao 10 cánh nhọn đầu, xen giữa các cánh sao trang trí hoạ tiết hình lông công đơn giản cách đều cùng với các hoạ tiết hình chữ V ngược lồng nhau.

Chum gỗ và trống đồng kết hợp với nhau thành một bộ Mộ táng chum gỗ trống đồng độc đáo.

Bảo vật quốc gia Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh tại Bảo tàng Bình Dương

Qua những hiện vật tìm thấy chứng tỏ văn hóa Đông Nam Bộ có những mối quan hệ với văn hóa Sa Huỳnh như đồ sắt, đồ gốm, khuyên tai hai đầu thú..., và văn hóa Đông Sơn như trống đồng, rìu xòe cân họng lục giác, vòng đồng, các khuôn đúc đồng bằng sa thạch với cách chế tác là mài đá thành hình trụ rồi xẻ dọc khoét thành 2 máng đúc. Không những thế di tích tại Giồng Cá vồ còn có những mối quan hệ với những vùng xa hơn.

  • Với Philipin là khuyên tai hình hoa 3 cánh bằng gốm, muôi bằng vỏ nhuyễn thể, hạt chuỗi vàng hình bánh ú, hoa văn chữ S đứng song song vòng quanh thân...
  • Với Thái Lan là các loại giáo sắt, vòng đồng, rìu đồng...

Tại các khu di tích như Dốc Chùa cũng như Đông Sơn đều tìm thấy các Qua Đồng là sản phẩm có sự giao lưu rộng răi khắp vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ. Như vậy ít nhiều đã soi sáng một sự thật lịch sử: Thế kỷ 3-2 trước công nguyên đến đầu công nguyên là những thế kỷ sôi động với những cuộc giao lưu tiếp xúc mạnh mẽ giữa các vùng đất ở Đông Nam Á.

Tiểu vùng văn hóa Tây Nam bộ.

Cho đến nay thành tựu chủ yếu là một nền văn hóa cổ phát triển từ đầu Công nguyên đến TK VII và truyền thống của nó còn kéo dài đến thế kỷ X - XIII, đó là văn hóa Óc Eo với trung tâm là tứ giác Long Xuyên, vùng trũng ngập lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong các phần sau.

5 chặng đường Lsmt Việt Nam
Mỹ thuật thời kỳ hình thành cơ tầng văn hóa nghệ thuật bản địa (thời nguyên thủy) Mỹ thuật thời kỳ xác lập bản sắc văn hóa Việt (Đông Sơn - Sa Huỳnh - Đông Nam Bộ) Thời kỳ giao lưu văn hoá hình thành văn hoá truyền thống Việt Nam
  • Mỹ thuật thời Bắc thuộc
  • Từ Sa Huỳnh đến Mỹ thuật Chăm Pa
  • Mỹ thuật văn hoá Óc Eo (Phù nam)
  • Mỹ thuật Thánh địa Cát Tiên
Mỹ thuật thời kỳ văn hoá Đại Việt (938 - cuốiTK XIX)
  • Mỹ thuật các đời phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê (938 -1009)
  • Mỹ thuật thời Lý
  • Mỹ thuật thời Trần (1226 -1400), thời Hồ (1400-1407)
  • Mỹ thuật thời Lê sơ (1427-1525)
  • Mỹ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI)
  • Mỹ thuật thế kỷ XVII-XVIII (thời vua Lê chúa Trịnh, Trịnh - Nguyễn phân tranh và Tây Sơn)
  • Mỹ thuật thời Nguyễn
Mỹ thuật Việt Nam hiện đại
  • Sự hình thành và phát triển mỹ thuật Việt Nam hiện đại
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1925 - 1945
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại 1945-1975
  • Mỹ thuật giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945 -1954
  • Mỹ thuật giai đoạn 1954-1975
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ năm 1975 đến nay
    • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại giai đoạn 1975-1985
    • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1986 đến nay

Tham khảo từ http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=096df7e0-a4e9-4fbd-8ba9-6768552fbd3a&groupId=13025 https://baotangnhanhoc.org/vi/gioi-thieu/suu-tap-hien-vat-va-mau-vat/21-hin-vt-vn-hoa-ng-nai.html http://khaosunambo.blogspot.com/2013/07/khao-co-hoc-nam-bo-viet-nam-nhin-tu-moi.html https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/201901/mo-chum-go-nap-trong-dong-binh-duong-kieu-mo-tang-moi-la-duoc-phat-hien-lan-dau-tien-tai-viet-nam-va-tren-the-gioi-8101736/

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan