Từ khoảng giữa thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, ở việt nam, đặc biệt là ở miền bắc, xuất hiện một loại hình nghệ thuật độc đáo đậm nét dân tộc, đó là Đình Làng. 

Mỗi làng hầu như đều có một cái Đình, là nơi tổ chức hội hè, sinh hoạt cộng đồng, và cũng là nơi gắn kết người dân trong làng xã. Người cùng làng rất thương nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong những giai đoạn khó khăn nhất. Thực ra đình Làng xuất hiện từ rất sớm, theo sử sách thì đình làng đã có từ thời nhà Đinh, nhưng lúc bấy giờ vai trò của nó chỉ là cái trạm dừng chân, qua đêm của vua quan trong những chuyến kinh lý, di hành. Trải qua các thời vua Lê, Lý, Trần.. cho đến thời Lê Trung Hưng thì vai trò đó đã thay đổi.

Đình Thổ Hà ở Bắc Giang

BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA ĐÌNH LÀNG

Nếu nói Đình Làng được sinh ra trong thời kỳ xã hội rối ren cũng không sai. Khi mà triều đình không còn là giường cột của niềm tin và luân lý thì tình cảm của người dân gởi về mảnh đất sinh ra mình. Việt nam trong giai đoạn TK 16, 17 là thời kỳ của những cuộc nội chiến liên miên giữa các tập đoàn phong kiến lớn: nhà Trịnh và nhà Mạc ở miền bắc, nhà Trịnh và chúa Nguyễn ở phía nam. Việt nam cũng có vua, nhưng vua Lê lúc này chỉ là hình thức, để danh chính ngôn thuận, mọi thực quyền nằm trong tay chúa Trịnh qua các đời Trịnh Kiểm - Trịnh Tùng - Trịng Tráng,..  Nhà Trịnh dù lấy danh nghĩa là phục hồi triều Lê chống lại nhà Mạc (thời kỳ Lê Trung Hưng), nhưng lúc bấy giờ vua Lê chỉ còn trên danh nghĩa, không còn vai trò tuyệt đối của một thiên tử. Hệ tư tưởng Nho giáo, vốn là công cụ trị nước an dân của triều đình, bị khủng hoảng do hình ảnh thiên tử uy quyền của nhà vua không còn nữa.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác phê phán những thói ăn chơi xã đọa của bậc vua chúa trong tác phẩm "tác phẩm vào phủ chúa Trịnh"

Xã hội chất chứa nhiều bất mãn, đạo lý, niềm tin Triều đình suy yếu tạo điều kiện cho làng xã tách khỏi sự quản lý của nhà nước, nhiều nho sĩ bất mãn với các thế lực lộng quyền ở triều đình, đã quay về với quê hương, lấy sinh hoạt, lễ hội địa phương làm chỗ dựa tinh thần. Tín ngưỡng thờ phượng tổ tiên, gia đình, dòng họ, giống nòi.. trở thành đạo đức sống vĩnh cửu cho mọi tầng lớp. Đình làng trong thời loạn lạc đã trở thành nơi sinh hoạt chung cho cả cộng đồng, là nơi thờ Thành hoàng và những người có công với làng xã, anh hùng dân tộc. Đình làng cũng là nơi tổ chức các lễ hội, các cuộc thi, và thậm chí.. trai gái trong làng gặp nhau cũng hò hẹn ở nơi này. Đáng tiếc cho nước Việt Nam lúc đang còn phải ngụp lặn trong những cuộc nội chiến liên miên vô nghĩa, thì Châu Âu lúc đó (TK.16) đang bước vào thời kỳ rực rỡ nhất của lịch sử Mỹ Thuật: Thời kỳ Phục Hưng.

KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG

  • Ngôi đình thường được xây dựng ở trung tâm làng hoặc ở đầu làng, nơi có khu nền đất cao ráo. Đình được xây dựng từ gỗ, lợp ngói, có sàn gỗ cao 0,7m cách mặt đất.
  • Đình có không gian mở, gắn kết với cảnh quan bên ngoài. Nếu có vách thì vách cũng có thể mở rộng bằng cách cuộn hay lắp ghép dễ dàng.

Đa số đình làng ở đầu TK 16 có kiến trúc hình chữ nhất (一), chỉ với một nếp nhà ngang, bên trong chia thành nhiều gian (số gian luôn là số lẻ theo truyền thống dựng nhà của người Việt). Gian giữa là nơi thờ Thành Hoàng, cũng là trung tâm cân đối bố cục cho các gian 2 bên. Bàn thờ được đẩy cao và lùi về hàng cột phía trong. Như đình Tây Đằng (TK16, Hà Tây), Chu Quyến (Hà Tây) Về sau do nhu cầu mở rộng, kiến trúc Đình làng phát triển quy mô hơn với nhiều kiểu

  • Hình chữ Đinh (丁): Đình làng xây thêm phần hậu cung để tách riêng nơi thời thần Hoàng Làng như đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang), đình Bảng (Bắc Ninh)
  • Hình chữ Nhị (二) như đình Phù Lão ở Bắc Giang
  • Hình chữ Công (工) như đình Thổ Hà ở Bắc Giang
  • Hình chữ khẩu (口) như đình Võ Liệt ở Nghệ An

Cho dù có phát triển thế nào thì phần quan trọng nhất trong toàn bộ kiến trúc vẫn là toà Đại Đình với phần mái xoè rộng và chiếm 2/3 chiều cao của đình. Mái đình rộng tạo nên một không gian cách nhiệt tốt phù hợp với khí hậu việt nam. Dù phần mái chiếm diện tích khá lớn, nhưng trông vẫn nhẹ nhàng thanh thoát là nhờ các đầu đao uốn cong, cuộn lên thành dải hoa văn. Trên bờ nóc được trang trí bằng các hình tượng nghệ thuật: hình mây lửa chầu về mặt trời ở giữa bờ nóc. Phần xây thêm phía trước Tòa đại đình có thể có nhà tiền tế, phương đình, các gian bên là tả hưu - hữu hưu, có hồ ao soi bóng, cây đa bến đình

Cấu trúc Đình Bảng

Kiến trúc bằng gỗ lớn với các vì kèo có 6 hàng chân cột. Các xà ngang, xà dọc, đầu bẩy, cột cái, cột quân.. đều được ăn khớp với nhau bằng mộng, tháo ráp dễ dàng. Các chân cột đều được kê lên đá để dễ di chuyển khi có lụt lội (tham khảo thêm các cấu kiện trong kiến trúc cổ Việt Nam)

ĐIÊU KHẮC ĐÌNH LÀNG

Những tác phẩm nghệ thuật trong điêu khắc Đình Làng không hề có hình ảnh rồng phụng như trong cung đình hay biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng mà thay vào đó là các chủ đề sinh họat đời thường theo cảm hứng thoải mái tự do của nghệ nhân thôn dã... Đó là phần độc đáo nhất của nghệ thuật Đình Làng. Nguyên nhân nằm trong bối cảnh phát triển của đình làng khi người dân và các nhân sĩ trí thức đã không còn xem địa vị danh chức triều đình là chân lý cuộc sống nữa

 

MỘT SỐ ĐÌNH LÀNG TIÊU BIỂU

Người thợ chạm
Đâu vương triều? Đâu là Mạc, đâu là Lê?
Còn lại đây người tắm trần trên thớ gỗ
Nét dao chạm quên mất mặt rồng vua chúa
Chỉ để lại hoa người và một lá sen che.

~ chế lan viên

Đình Thụy Phiêu

Đình Thụy Phiêu được xem là đình cổ nhất Việt Nam với gần 500 năm tuổi, tọa lạc trên gò đồi đá ong thuộc xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội. Năm 2001, đình được công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia.

Đình Thuỵ Phiêu, ngôi đình cổ nhất việt nam

Ngôi đình này được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 16, có niên đại trước đình Tây Đằng, có kiến trúc chi tiết độc đáo. Tuy số lượng cột trong đình không nhiều, như­ng phần lớn là cột to. Cột cái lớn nhất có đường kính 80cm, làm bằng gỗ thông đỏ, loại gỗ quý của rừng Thụy An.

Các cột còn lại là lõi gỗ mít. Trên cột đình đều đ­ược khắc chữ Nho. Các xà, đầu, kèo, cuốn đều có chạm khắc chi tiết mang đậm nét văn hóa dân gian. Đầu đao dài, uốn cong và có gắn long, ly, quy, ph­ượng.

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang thuộc xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, được tạo dựng từ thế kỷ 17

Đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại của tỉnh Vĩnh Phúc

Đình Thổ Tang kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, cửa hướng Tây Nam, gồm hai tòa Đại Đình và Hậu cung. Đình dài 25,8m, rộng 14,2m, nền được bó vỉa bằng đá xanh, kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc. Đại đình gồm năm gian, hai dĩ với 60 chiếc cột to làm bằng gỗ tốt, từ nền đình tới nóc cao 7m. Cột cái có đường kính 0,8m, cao 5m, cột con có đường kính 0,61m.

Hiện nay, đình thờ thành hoàng Phùng Lộc Hộ đô thống Đại Vương tức Lân Hổ Hầu - một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông ở phòng tuyến Gia Ninh thế kỷ XIII.

Tác phẩm nhóm có chủ đề sinh hoạt xã hội

Một đoạn vì kèo ở đình Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Phúc với kỹ thuật chạm nổi về các chủ đề sinh hoạt xã hội

  Tác phẩm “Đánh cờ” ở đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc)

Tác phẩm "Đánh Cờ"

Bức chạm này có lối tạo hình đặc biệt, bàn cờ hình vuông. 4 người ngồi ở 4 góc và đều quay mặt ra ngoài. Hình trong tác phẩm không che khuất nhau. Người gần thì nhỏ, người xa thì lớn, thể hiện quan niệm tạo hình rõ ràng, thuận mắt mà không theo quy luật của mắt nhìn. Tác giả đã khéo tạo ra sự thay đổi giữa mảng nổi, mảng chìm giữa hình và nền, giữa đặc và trống một cách hợp lý tạo nên một bố cục thoáng mát nhưng rất chặc chẽ, rõ ràng, đơn giản nhưng không sơ sài, nghèo nàn.

Đình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng)

Đặc điểm: Kiến trúc hình chữ Nhất, Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, là ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam. Toạ lạc: xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội

Đình Chu Quyến ở xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội

Đình Chu Quyến thờ Nhã Lang, con cả của Lý Phật Tử (thế kỉ VI) và bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh, người làng Chu Quyến.

  • Kết cấu nóc 4 mái dốc, 2 chính, 2 phụ. Đình được làm bằng gỗ lim,có 3 gian 2 chái. Chiều dài 30 m, tổng diện tích 395 m2,
  • kế cấu khung gồ chồng tường truyền thống. 8 hàng cột dọc, 6 hàng cột ngang (2 cột cái, 2 cột quân, 2 cột hiên).
  • đình có sàn gỗ, có vách cao bằng mặt sàn. Lan can gỗ được dựng bằng các khung chữ nhật đứng.
Đình Chu Quyến có thiết kế kiểu "chữ Nhất", kết cấu khung gỗ chồng rường truyền thống với 6 hàng cột đối xứng nhau qua trục dọc nhà

Có nhiều tác phẩm dân gian tinh xảo chọi gà, gẩy đàn, múa hát dân gian. Rồng là đề tài chủ đạo, phượng mẹ và đàn phượng con. được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau.

Một tác phẩm điêu khắc ở đình Chu Quyến, Hà Nội mô tả trích đoạn trong diễn tích cổ "Táng mả hàm rồng"
Đình Phù Lão - Bắc Giang

Đình toạ lạc ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, Bắc Giang là ngôi đình thời Lê, dựng năm 1688

Đình Phù Lão, Bắc Giang

là đình có các tác phẩm điêu khắc với chủ đề táo bạo nhất

Điêu khắc đình Phù Lão sử dụng kỹ thuật khắc lộng
Trên các tác phẩm chạm khắc có cảnh ân ái nồng nàn thể hiện lý tưởng, khát vọng của cộng đồng và mang giá trị phồn thực, cầu mong con người cùng các con vật sinh sôi phát triển.
Cảnh nam nữ khoả thân được khắc chạm trong đình Phù Lão

MỘT SỐ TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC DÂN GIAN

Gia đình nhà nghê, điêu khắc thế kỷ 17 trên cốn gỗ đình Cổ Chế, Phú Xuyên, Hà Nội.

  Tác phẩm “Uống rượu" ở đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc)

Tác phẩm “Uống rượu" ở đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc)

Thể hiện một cuộc rượu với một tinh thần nho nhã. Đường nét mềm mại, hình khối nhẹ nhàng. Toàn bộ tác phẩm được bố cục chặc chẽ trong hình chữ nhật, 2 bên chạm 2 hình giống như bông sen càng gợi lên một tinh thần nhẹ nhàng thanh tao nho nhã. Kỹ thuật chạm nỗi và chạm thủng làm nổi rõ chân dung của 2 nhân vật. Phần đầu khá to so với thân, nhưng lại cân đối hài hoà trong toàn bộ tác phẩm, làm trọng tâm hút ánh mắt người xem.  

Tác phẩm “Chuốc rượu” ở đình Hoàng Xá (Hà Tây)

Tác phẩm “Chuốc rượu” ở đình Hoàng Xá (Hà Tây)

Cũng là 2 nhân vật uống rượu, nhưng sự say sưa được diễn tả rõ trên 2 nét mặt, hai thân mình nghiêng ngả. Ở người mời rượu, đầu và tay tạo thành một đường thẳng với nét chạm sắc sảo, dứt khoát, người kia, với bàn tay cong gập về phía sau, cũng từ chối một cách quyết liệt không kém. Hai người, người mời, người từ chối trong tình trạng đã say

Trai gái đùa vui (đình Hưng Lộc - Nam Định)

Trai gái đùa vui (đình Hưng Lộc - Nam Định)

Tác phẩm thể hiện 4 nhân vật với 4 trạng thái tình cảm khác nhau, 2 người nam, người cười thoải mái, người thì cười tủm tỉm. 2 cô gái ưu tư sâu lắng. Tất cả được bố cục thành nhóm có nhân vật chính phụ, có bối cảnh tạo vẻ sinh động cho tác phẩm. Đường nét thoải mái, phóng khoáng. Khối hình đơn giản không cốt giống thực mà sống động, tươi mát, hồn nhiên.

Về kỹ thuật tạo hình

Các nhân vật được thể hiện theo quan niệm tạo hình dân gian giàu chất tượng trưng và ước lệ. Không cần giống thực, không quan tâm đến tỷ lệ cơ thể cân đối, miễn sao truyền được cái “thần" của nhân vật. Tuy nhiên toàn bộ tác phẩm lại là sự hài hoà cân đối hợp lý về mặt bố cục, hình khối, đường nét..

Hình tượng các nhân vật: lạc quan yêu đời. Ngay cả những đề tài mang tính chất chính thống như những con vật linh thiêng trong tứ linh như rồng phượng cũng trở nên bình thường, gần gũi như tác phẩm “Cô gái cưỡi Phượng" ở đình Thổ Hà (Bắc Giang), “Múa trên lưng rồng” ở đình Liên Hiệp (Hà Tây), “phụ nữ vén váy trên đầu rồng" ở đình Phù Lão (Bắc Giang). Những nghệ nhân muốn vượt lên những khắc khe phong kiến của xã hội đương thời, để vươn tới những tình cảm tự nhiên của con người như tình yêu trai gái, quan hệ tình cảm, khát vọng yêu thương

Về ý nghĩa

Đình làng là kho bảo tàng lớn lưu giữ các tác phẩm điêu khắc quý giá, phản ánh cuộc sống hiện thực xã hội đương thời. Các tác phẩm cũng bộc lộ tất cả những gì người nông dân yêu thích, mong ước, trông chờ làm nguồn tài liệu cho nhiều nghành khoa học, nghệ thuật nghiên cứu sau này. Ngôi đình gắn bó hữu cơ với con người, với cuộc sống làng xã. Khi xa quê hương, hình ảnh đầu tiên hiện trong tâm trưởng người việt chính là cây đa, bến nước, sân đình


Tài liệu tham khảo: Lịch Sử Mỹ Thuật Việt Nam của Phạm thị Chỉnh

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan